Nếu ông Trump bị buộc phải rời khỏi Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11, ông sẽ không phải kẻ thua cuộc duy nhất.
Mặc dù nhiều chính phủ có thể sẽ ăn mừng sự kết thúc của nhiệm kì tổng thống Mỹ đặc biệt và đôi khi hỗn loạn nhất trong thời hiện đại, những người khác sẽ có lí do để nuối tiếc giai đoạn này.
Đối với lãnh đạo Triều Tiên, quãng thời gian ông Trump nắm quyền gần như chỉ toàn mang lại điều tích cực. Việc ông Trump thất cử sẽ khiến Triều Tiên ngay lập tức phải đối mặt với thách thức.
Những gì Trung Quốc nhận được trong nhiệm kì ông Trump thì có cả tốt xấu lẫn lộn. Tuy nhiên, Bắc Kinh lo ngại ông Trump rời đi đồng nghĩa với sự quay trở lại của chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ.
Ông Biden có thể hàn gắn mối quan hệ với các liên minh của Mỹ và thúc đẩy tính phổ biến của các giá trị như dân chủ và nhân quyền hoặc cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Tập Cận Bình
Ông Trump tỏ ra hung hăng với Trung Quốc hơn bất kì tổng thống Mỹ nào trong thời gian gần đây, áp thuế với hàng hóa Trung Quốc và hạn chế khả năng nước này tiếp cận với những công nghệ quan trọng. Nhưng các quan chức Trung Quốc nói rằng sau khi cân nhắc mọi yếu tố, giới lãnh đạo thà thấy ông Trump ở lại Nhà Trắng hơn là rời đi.
Ông Trump đã làm rung chuyển hệ thống liên minh hậu Thế chiến Thứ hai. Trung Quốc cho rằng hệ thống này ngăn cản tham vọng địa chính trị của họ, do vậy việc ông Trump làm suy yếu nó là lợi ích đáng kể với Bắc Kinh.
Theo Bloomberg, ông Trump cũng làm suy yếu tầm vóc quốc tế của Mỹ qua việc rút khỏi các thỏa thuận nhằm theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết", tạo cơ hội cho ông Tập lấp đầy khoảng trống lãnh đạo toàn cầu.
Bắc Kinh lo ông Biden sẽ cố gắng tạo ra mặt trận quốc tế có sự phối hợp chặt chẽ hơn để đối phó với Trung Quốc, đồng thời duy trì sức ép đối với thương mại và công nghệ.
Tuy nhiên, Giáo sư quan hệ quốc tế Zhu Feng tại Đại học Nam Kinh cho rằng Bắc Kinh có thể được hưởng lợi từ mối quan hệ bớt căng thẳng hơn với Washington. "Liệu mọi người có thực sự muốn thấy Trung Quốc và Mỹ tham gia chiến tranh lạnh không?", ông đặt câu hỏi.
Cáo buộc rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 đã mở ra cuộc điều tra chính thức của Mỹ và bản báo cáo dài 448 trang. Nhưng theo một số khía cạnh, ông Putin đã trúng số độc đắc khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ.
Khi nhậm chức, ông Trump đã đặt câu hỏi về giá trị của NATO và vị thế của các nước đồng minh như Đức. Kết quả, liên minh xuyên Đại Tây Dương mà các nhà lãnh đạo Nga muốn phá vỡ đã suy yếu.
Có rất nhiều lí do để nghĩ rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong nhiệm kì thứ hai của ông Trump. Tuy nhiên, ông Putin chỉ thu về được rất ít lợi ích cụ thể mà ông muốn, từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đến tiến triển về kiểm soát vũ khí.
Giới quan chức Nga nhận thấy họ có rất ít triển vọng để cải thiện quan hệ với Mỹ và cơ hội này sẽ càng ít hơn dưới thời chính quyền của ông Biden.
Theo bà Fiona Hill, cựu Giám đốc cấp cao về các vấn đề Nga và châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Điện Kremlin có thể cố gắng thay đổi tâm lí chống Nga thay vì chỉ ngồi than thở.
"Chính phủ Nga có thể kiểm soát những kẻ đi khắp nơi chọc tức phe cánh tả, cánh hữu và trung dung. Khi các quan chức Nga có cuộc họp với Mỹ, họ có thể ngừng xúc phạm chúng ta. Chỉ cần làm thế tình hình cũng sẽ được cải thiện".
Không một mối quan hệ quốc gia nào của Mỹ thay đổi dưới thời ông Trump nhiều như Triều Tiên. Các lời đe dọa, xúc phạm giữa hai bên đã dần biến thành tình yêu nồng ấm khi ông Kim và ông Trump gặp nhau ba lần, trao đổi hơn hai chục lá thư, phô diễn mối quan hệ giữa hai người.
Tuy nhiên, kể cả cách tiếp cận hoàn toàn khác của Mỹ cũng không thể thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Ông Kim đã công bố một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cực lớn mới vào ngày 10/10 có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân.