Trong gần 2.000 phiếu hợp lệ, khoảng 60% người dân được lấy ý kiến đồng thuận với mục tiêu quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch để bổ sung bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại; điều chỉnh quy hoạch đề xuất; quy hoạch tổng mặt bằng - phương án kiến trúc của dự án.
28 trong 32 tổ chức, cơ quan được lấy ý kiến đồng thuận với dự án, đồ án quy hoạch, trong đó có Sở Công Thương, Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng), Công ty Cổ phần Thanh Bình Hà Nội, Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất - CIRI (lô C/D13), Công ty Cổ phần Phú Mỹ An (lô C/D4)...
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Dịch Vọng Lê Văn Trí cho biết, trên 400 phiếu đóng góp thêm ý kiến khác, trong đó hơn 250 phiếu đề nghị không điều chỉnh quy hoạch, giữ nguyên hiện trạng công viên, lo ngại dự án có thể gây ùn tắc giao thông, cần đảm bảo cảnh quan cây xanh và bảo vệ môi trường, không bố trí dịch vụ thương mại tại công viên.
Phối cảnh bãi xe ngầm trong công viên Cầu Giấy sau khi hoàn thành. (Ảnh: Chủ đầu tư dự án cung cấp).
Theo bà Lộc, quanh công viên có nhiều khu đất trống có thể quy hoạch làm bãi đỗ xe, việc lấy đất công viên là không cần thiết. "Người dân ở đây không thiếu bãi đỗ xe, vì tất cả tòa nhà đều có tầng hầm. Nhu cầu cấp thiết là không khí để thở, cây xanh lấy bóng mát và chỗ cho trẻ chơi", bà Lộc nói và mong muốn được đối thoại với chính quyền.Phản đối dự án, bà Nguyễn Thị Lộc (Ủy viên ban Thanh tra nhân dân phường Dịch Vọng) cho rằng việc lấy phiếu có nhiều khuất tất khi chính quyền chỉ lấy ở một số khu vực không chịu tác động trực tiếp nếu triển khai dự án, trong khi nhân dân phường Yên Hòa (công viên Cầu Giấy có một phần diện tích thuộc phường Yên Hòa) lại không được hỏi ý kiến.
Là Phó ban quản trị tòa nhà N10 Hà Đô, ông Lê Phi Phụng cho rằng cư dân phản ứng vì dự án sẽ "phá vỡ công viên và chính quyền phường làm việc không minh bạch, không tôn trọng dân". Ông dẫn chứng ban đầu chính quyền phường chỉ lấy ý kiến vài tổ, nhưng khi công bố kết quả thấy hơn mười tổ, trong đó có những tổ ở rất xa công viên.
"28/32 tổ chức đồng ý, nhưng họ không liệt kê đầy đủ là tổ chức nào. Phải làm điều tra độc lập chứ không thể tù mù đánh úp như thế được. Hôm nay họp, phường tổ chức thông báo kết quả, nhưng cư dân không được mời", ông Phụng nói và khẳng định nếu chính quyền không đối thoại, thắc mắc chưa được giải đáp thỏa đáng, người dân sẽ tiếp tục phản đối dựán.
Việc kiểm phiếu lấy ý kiến được nhiều ban ngành, đoàn thể giám sát. (Ảnh: Công Trình).
Trước phản ánh của người dân về việc lấy phiếu khuất tất, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Dịch Vọng, ông Nguyễn Thế Bính cho biết, qua giám sát, cá nhân ông nhận thấy quá trình lấy ý kiến người dân được hệ thống chính trị tổ chức minh bạch, đảm bảo đúng quy định. Việc một số người dân chưa đồng thuận với dự án do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được lợi ích lâu dài.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Dịch Vọng, ông Nguyễn Minh Hiếu đánh giá kết quả lấy ý kiến cho thấy "mức độ đồng thuận của nhân dân trên địa bàn chưa hẳn là cao, đặc biệt hộ ở khu đô thị". Là phường trung tâm quận, mức độ đô thị hóa ở Dịch Vọng gần 100% nên việc đồng bộ hạ tầng rất quan trọng. Tuy nhiên, hai khu đô thị Dịch Vọng và Cầu Giấy xây theo quy hoạch cách đây trên 20 năm nên không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa hiện nay.
Dự án mới triển khai bước một là lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Kết quả sẽ được tổng hợp để báo cáo các sở, ngành tham mưu UBND thành phố đồng ý triển khai dự án hay không. "Nhìn về tương lai, tôi thấy dự án thực sự cần thiết, đảm bảo cho sự ổn định lâu dài về trật tự giao thông, mỹ quan đô thị và phục vụ trực tiếp các hộ gia đình sống trong khu đô thị", ông Hiếu nói, đề nghị các đơn vị liên quan kiên trì vận động để nhân dân thấy được sự cần thiết của dự án.
Hiện một số người dân treo banner phản đối triển khai dự án. Ông Hiếu cho rằng có nhiều hình thức để thể hiện quan điểm như bằng phiếu, "treo banner, băng rôn rất nhạy cảm, không phù hợp, phản ứng như thế hơi thái quá". Bí thư phường Dịch Vọng đề nghị lãnh đạo cấp ủy, chi bộ, ban công tác mặt trận tập trung tuyên truyền vận động các hộ gia đình gỡ băng rôn, banner.
Nhiều cư dân toà nhà N04 - B1, đối diện công viên Cầu Giấy, treo băng rôn phản đối dự án. (Ảnh: Võ Hải).
Dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong công viên Cầu Giấy có diện tích sử dụng đất 14.500 m2 - bằng 15% diện tích đất công viên. Phần diện tích trên mặt đất sẽ tạm đánh chuyển cây khi triển khai dự án, sau đó hoàn trả trồng lại cây xanh, làm vườn hoa, đài phun nước, lắp đặt thiết bị thể thao ngoài trời, để lối đi, giữ nguyên cơ bản như công viên trước đây để người dân tự do vui chơi, tập luyện thể thao.
Nhà điều hành bãi xe có kiến trúc và mái phủ cây xanh phù hợp cảnh quan thiên nhiên công viên. Diện tích nhà điều hành và các công trình phụ trợ chiếm tối đa 5% diện tích ô đất nghiên cứu. Tầng cao công trình một tầng thông thủy cao 4 m (nhà quản lý, vận hành, bảo vệ, thiết bị kỹ thuật: thang máy, thang cuốn, thông gió, lọc khí...), mái cao 3,7 m đặt các thiết bị thông gió, hút khói, lọc gió và phòng cháy chữa cháy.
Dự án có ba tầng hầm, tầng hầm 1 có chức năng dịch vụ thương mại khoảng 12.000 m2 (bao gồm khu tập thể thao GYM, khu vui chơi trẻ em, rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện - họp sinh hoạt cộng đồng, nhà sách và thư viện, trung tâm thương mại...); tầng hầm 2, 3 là bãi đỗ xe ngầm khoảng 24.000 m2, công suất đỗ hơn 870 xe.