'Nhiều phụ huynh mắc bệnh sĩ diện, không thừa nhận con bị tự kỷ'

Theo chia sẻ của cô Phan Thị Hường (Giáo viên hòa nhập trẻ cá nhân), nhiều phụ huynh mắc bệnh sĩ diện, không chịu thừa nhận con mình bị tự kỷ nên việc giáo dục giúp cho trẻ tiến bộ trở nên khó khăn bội phần.

Tự kỷ là chứng bao gồm sự kết hợp của nhiều rối loạn chức năng trong não bộ và hiện đang là một căn bệnh của xã hội thời đại mà đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em. Đó là nỗi đau, là sự khủng hoảng rất lớn cho bất cứ gia đình nào có con em mắc phải. Việc phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng đến sự hòa nhập của trẻ tự kỷ với cộng đồng.

Trẻ tự kỷ sẽ khó khăn cả đời, chứ không phải "chữa" mà hết

Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Thị Hòa (Hiệu trường trường mầm non 6, Quận 3, TP. HCM) cho biết: "Hiện tại trường đang nhận 15 trẻ bị tự kỷ nhưng chỉ có 11 phụ huynh chấp nhận phối hợp với nhà trường để thực hiện công tác giáo dục trẻ bằng phương pháp giáo dục đặc biệt.

Đa phần thì phụ huynh đã biết nhìn nhận các em mắc tự kỷ từ các nhóm nhỏ, nghĩa là từ khi trẻ khoảng 19 tháng tuổi, phụ huynh đã tham gia tư vấn với phía bên bệnh viện Nhi đồng, phối hợp với chúng tôi để giúp các em hòa nhập với môi trường. Trong khi đó những năm trước thì phải đến lớp lá, phụ huynh mới bắt đầu lo lắng, cầu cứu trường giúp đỡ".

Cô Hòa cũng chia sẻ, biểu hiện cơ bản của một trẻ tự kỷ là không giao lưu, không giao tiếp, chơi một mình và ngôn ngữ chậm. Sau một thời gian dài quan sát, nhà trường trao đổi thẳng thắn với phụ huynh, hướng dẫn phụ huynh đến bệnh viện Nhi đồng khám sàng lọc, kiểm tra tâm lý, có những bài text định hướng ban đầu. Qua những cái phát hiện ban đầu của nhà trường, cộng thêm thông tin từ bệnh viện Nhi đồng, nhà trường sẽ có những bài tập phù hợp cho từng trẻ.

"Như trường chúng tôi, một lớp thì có khoảng 35 trẻ, trong số đó có 1 - 2 trẻ tự kỉ. Các cô giáo cố gắng cho các trẻ hòa nhập với các bạn bằng các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể. Về bài học cá nhân thì trường tổ chức riêng một phòng học cá nhân, có mời giáo viên có chuyên ngành giáo dục đặc biệt, chia lịch dạy từng trẻ. Ví dụ trẻ này gặp khó khăn ở nội dung A, trẻ khác gặp rào cản ở nội dung B, dựa trên chuẩn đoán ban đầu của bác sĩ, chuyên gia về sàng lọc nữa thì nhà trường sẽ lập kế hoạch cho từng em.

Đa số các trẻ ban đầu ngại giao tiếp, thậm chí la hét, không hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Chúng tôi phải can thiệp tối đa, từ giáo viên giáo dục đặc biệt, giáo viên mầm non, các thành viên trong nhà trường đều tạo cơ hội cho trẻ được giao tiếp.

Cũng dần có những chuyển biến nhưng chuyển biến rất ít, từ 1 – 2 năm phụ thuộc vào mỗi trẻ, phù hợp với những hạn chế, khó khăn mà mỗi bé gặp phải. Bởi thế, đối với những trẻ tự kỉ phải kiên trì, dài lâu vì trẻ tiến bộ từng chút chứ không như các trẻ bình thường khác. Phải nói là trẻ sẽ khó khăn cả đời, chứ không phải "chữa" mà hết".

Niềm hạnh phúc của những người làm nghề giáo chính là việc nhìn thấy học sinh của mình dần tiến bộ từng ngày, có những chuyển biến tích cực. Cô Hòa tâm sự, có những trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ, không nói được từng câu hoặc bị lặp lại câu nhưng sau một thời gian đã bắt đầu nói được rõ ràng, không bắt chước người khác nói.

Có những trẻ gặp rào cản về vận động thì sau đó, trẻ đã có khả năng đi, nhảy, cử động tay cứng cáp hơn và thực hiện được một số bài tập cơ bản. Có những trẻ không nhận thức được màu sắc, đến 3 – 4 tuổi nhưng lại nhận thức như các bé 19 tháng thì với sự giáo dục tâm huyết của nhà trường, trẻ bước đầu có thể nhận thức được màu sắc, số...

nhieu phu huynh mac benh si dien khong thua nhan con bi tu ky
Biểu hiện cơ bản của một trẻ tự kỷ là không giao lưu, không giao tiếp, chơi một mình và ngôn ngữ chậm (Ảnh: Công Tuấn)

Cô Phan Thị Kim Thùy (giáo viên mầm non) chia sẻ, sự hợp tác của phụ huynh vẫn còn là một trong số những rào cản ảnh hưởng đến sự tiến bộ của trẻ. Nhiều phụ huynh vẫn biết con mình tự kỷ nhưng khăng khăng không chịu thừa nhận mặc dù nhà trường thuyết phục rất nhiều.

Đối với những phụ huynh chấp nhận cho con theo học giáo dục đặc biệt thì lại gặp phải tình trạng không hỗ trợ, không tham gia giúp trẻ cải thiện ở nhà. Có thể nói, nhà trường có kế hoạch giảng dạy, giáo dục trẻ nhưng ở nhà, nếu phụ huynh không phối hợp thì trẻ khó mà cải thiện được.

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, việc giáo dục ở trường là đủ rồi, mỗi ngày học 1 tiết, một tuần học 5 tiết với cô giáo là xong rồi. Thế nhưng sự hỗ trợ của gia đình mới là quan trọng nhất, trẻ muốn tiến bộ thì phải có sự phối hợp của nhà trường và gia đình, nếu không thì sẽ rất khó có tiến triển tích cực.

"Như tôi từng tiếp xúc với một phụ huynh có con mắc các dấu hiệu cơ bản của tự kỷ. Phụ huynh rất ca ngợi con, luôn khen con giỏi giang và thông minh, luôn giao tiếp với con bằng tiếng Anh chứ không nói tiếng Việt.

Dù đã 5 tuổi nhưng đứa trẻ đó đến việc đi tiểu tiện cũng nằm tại chỗ, ít nói, chỉ giao tiếp vài câu quen thuộc như "xin chào". Nhà trường thuyết phục phụ huynh đó cho con học lớp giáo dục đặc biệt nhưng họ tỏ thái độ khó chịu, không chấp nhận. Cuối cùng thì phụ huynh đã chuyển trường cho con.

Nhưng cũng có những gia đình rất hợp tác trong việc giúp trẻ tiến bộ. Như một bé tên B.K, sau thời gian học ở trường và sự hỗ trợ của gia đình ở nhà thì có những chuyển biến tích cực như bắt đầu nhận biết được hình dạng, nói được, hiểu được. Ngoài ra thì B.K vẽ rất đẹp. Khi bé vẽ một con thỏ và một con cá sấu thì hôm nay bé sẽ nói là con thỏ chơi với con cá sấu nhưng qua hôm sau, bé có thể sáng tạo câu chuyện thành con thỏ chuẩn bị chạy thoát khỏi con cá sấu. Mỗi ngày đều là một câu chuyện khác nhau, rất thú vị".

Nhiều phụ huynh mắc bệnh sĩ diện, không muốn con mang danh trẻ tự kỷ

Tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt, có 3 năm công tác trong môi trường giáo dục trẻ tự kỉ nên cô Phan Thị Hường (giáo viên hòa nhập trẻ cá nhân) có rất nhiều chia sẻ bổ ích xung quanh câu chuyện này.

The cô Hường, 4 dạng tự kỷ, bao gồm dạng ADHD (tăng động giảm chú ý mất tập trung), rối loạn về nhận thức và ngôn ngữ, rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc. Ở mỗi dạng sẽ có dấu hiệu khác nhau, phương pháp - bài tập khác nhau, các hoạt động khác nhau nhằm hỗ trợ tối đa việc phát triển của trẻ.

Cô Hường nói: "Tôi được học về các phương pháp, mục tiêu, cách quản trẻ, xử lý các tình huống xảy ra ở trẻ tự kỷ. Tôi sẽ tiếp xúc nhiều với trẻ để soạn giáo án dựa theo tình trạng hiện tại của trẻ, theo đó sẽ soạn kế hoạch năm, từ kế hoạch năm sẽ có kế hoạch tháng, kế hoạch tuần và kế hoạch ngày.

Đối với mỗi trẻ thì đều có những phương pháp áp dụng khác nhau, phụ thuộc vào mức độ của trẻ, khả năng của trẻ. Như trẻ 3 tuổi nhưng nhận thức chỉ 3 - 4 tháng thì dạy theo khả năng của trẻ chứ không phải dạy theo tuổi thật. Mỗi một trẻ sẽ được học 30 phút/ngày, đều đặn như thế với những bài học được thay đổi linh hoạt để giúp trẻ hứng thú và tiếp thu bài dễ dàng hơn.

nhieu phu huynh mac benh si dien khong thua nhan con bi tu ky
Cô Phan Thị Hường (Giáo viên hòa nhập trẻ cá nhân) chia sẻ, có nhiều phụ huynh mắc bệnh sĩ diện (Ảnh: Công Tuấn)

Khó khăn nhất vẫn là sự hợp tác với phụ huynh. Nhiều phụ huynh mặc cảm, thậm chí mắc bệnh sĩ diện, không muốn con mình mang danh là trẻ tự kỷ. Trong khi rõ ràng là vai trò phụ huynh rất quan trọng, cần có sự phối hợp nhịp nhàng với nhà trường.

Tôi đưa ra bài tập ở trường và cho trẻ học 30 phút/ngày nhưng vẫn cần sự quan tâm rất lớn của gia đình, vì phụ huynh bên con nhiều hơn giáo viên. Giáo viên chỉ có 30 phút còn phụ huynh thì có nhiều thời gian, nhất là buổi tối. Nhưng nhiều phụ huynh suy nghĩ vô tư lắm, kiểu như cô dạy như thế nào là quyền cô, mặc cô".

Cô Hường nhấn mạnh, để giúp trẻ tiến bộ thì các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, gia đình là môi trường tốt nhất đối với trẻ tự kỉ bởi đó là môi trường quen thuộc, trẻ có nhiều cơ hội được tham gia vào các hoạt động hàng ngày cùng với những người thân, được thực hành và luyện tập các kĩ năng.

Còn đối với bản thân các bé, giáo viên phải đưa ra nhiều trò chơi hơn trong các tiết dạy, kết hợp âm nhạc trong các buổi học, không có bắt buộc dạy theo một giáo án nhất định mà phải nương theo trẻ. Trước khi vào học thì cho trẻ chơi để tạo hứng thú.

chọn
Chung cư Hà Nội đã cắt sốt
Theo lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, khi mọi người xếp hàng để mua BĐS thì có nghĩa thị trường đang FOMO. Dự báo 3-6 tháng tới, khi lãi suất điều chỉnh tăng để giải quyết vấn đề tỷ giá, nhu cầu mua trên thị trường sẽ giảm.