"Con muốn nói gì với họ không, Ashraf", Faraliza Zainal hỏi con trai. Cậu thiếu niên 17 tuổi nghe mẹ nói liền nở nụ cười tươi rồi bắt đầu viết lên tấm bảng trắng, cẩn thận che chắn để không ai nhìn thấy. Được một chốc, cậu dừng tay, xóa chữ rồi lại viết, dừng, xóa.
"Thằng bé nhát lắm", bà Fara nói. Là người duy nhất Ashraf muốn nói chuyện cùng, Fara đã nỗ lực một cách phi thường suốt một thời gian dài. Từ bỏ vị trí quản lý một tập đoàn toàn cầu, người mẹ quyết tâm học về giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt để rồi lập nên ngôi trường đặc biệt với hy vọng giúp đỡ những em nhỏ như Ashraf.
Bà Fara bên con trai Ashraf. Ảnh: mediacorp. |
Lên ba tuổi, các vấn đề của Ashraf càng nghiêm trọng. Các bác sĩ kết luận cậu bé bị tự kỷ và rối loạn cảm giác nên không cảm nhận được giới hạn cơ thể. "Con không ngừng ăn cho tới khi nôn mửa vì không thấy no", bố Ashraf là ông Mohammad Ali Dawood giải thích.Theo CNA, Ashraf được chẩn đoán xơ cứng củ từ lúc 18 tháng tuổi. Căn bệnh hiếm gặp gây ra một khối u lành tính trên mạch máu dẫn đến não, cản trở lưu thông và gây động kinh. Fara kể lại có những đêm con trai lên cơn động kinh ba lần.
Như bao phụ huynh khác, Fara rơi vào trạng thái chối bỏ. "Suốt hai năm, tôi không thể chấp nhận sự thật", bà mẹ bộc bạch. Đến ngày nghe nhà truyền giáo nói rằng Chúa đã trao Ashraf vì biết bà "là người duy nhất có thể chịu đựng và dạy dỗ", Fara mới nguôi ngoai.
Từ đây, Fara lao vào học về tự kỷ. Bà trải qua nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về quản lý hành vi, liệu pháp thay thế cùng liệu pháp vận động. Nhờ đó, Fara nhận thấy Ashraf có dấu hiệu thay đổi.
Do vấn đề sức khỏe, Ashraf gặp khó khăn trong diễn đạt ngôn từ và trở thành đối tượng bị bắt nạt. Một lần, chứng kiến người khác gọi cậu bé là "đồ điên" tại trường học Hồi giáo, Fara lập tức đưa Ashraf về nhà rồi nảy ra ý định thành lập trường riêng. Lúc này, bà đã được thăng chức lên quản lý khu vực của tập đoàn song quyết định con trai là ưu tiên số một, Fara viết đơn nghỉ việc.
Chuẩn bị cho ý tưởng táo bạo, Fara tìm gặp các chuyên gia giáo dục, học hỏi kinh nghiệm điều hành trường học. Bà nghiên cứu và cải biên chương trình giảng dạy cho học sinh có nhu cầu đặc biệt dựa trên quan sát con trai. Vợ chồng Fara thậm chí sẵn sàng bán đi ngôi nhà ba tầng khang trang để lấy vốn. "Tôi là người mạo hiểm", người phụ nữ thừa nhận.
Vợ chồng Fara bên các con. Ảnh: mediacorp. |
Ban đầu, MIJ nằm trong nhà kho của nhà thờ Sultan với duy nhất một học sinh và một giáo viên - mẹ con Fara. Thế nhưng, tiếng lành đồn xa, MIJ nhanh chóng phát triển. Năm 2015, sĩ số học sinh ở đây đã lên tới 200 trẻ mắc những căn bệnh khác nhau từ bại não đến hội chứng Down. Nhằm tránh căng thẳng, lo âu cho học sinh, Fara chủ trương không kiểm tra đánh giá mà chỉ đưa ra những câu đố. Bên cạnh đó, bà thường xuyên tham khảo ý kiến bạn bè đồng thời thuê một nhà tâm lý học giáo dục nhằm huấn luyện các giáo viên.Đầu năm 2011, Trung tâm Giáo dục đặc biệt My Inspiring Journey (MIJ) của Fara chính thức ra mắt. "Mọi người đến đây đều có một câu chuyện đầy cảm hứng để kể", bà Fara giải thích về tên trường.
Ít lâu sau, khó khăn ập tới. Tình hình tài chính không ổn định do dựa vào đóng góp cá nhân cùng tính tình rộng rãi, sẵn sàng miễn học phí cho học sinh của Fara khiến MIJ lâm vào khủng hoảng. Fara tranh cãi với chồng gay gắt đến mức tưởng chừng ly hôn. Tuy nhiên, con gái cả Nur Aliah Mohammad Ali đã kịp thời can ngăn bố mẹ.
"Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc", Fara thừa nhận. "Nhưng rồi tôi nhớ lại mục đích của mình. Tôi muốn giúp đỡ Ashraf và nhiều người khác".
Tin rằng "khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra", Fara cùng chồng tiếp tục chèo lái MIJ. Tháng 2/2017, họ gây quỹ được 120.000 SGD, vừa đủ để tìm địa điểm mới cho trường.
Ashraf (bìa phải) và các bạn cùng lớp. Ảnh: mediacorp. |
Trên tất cả, MIJ thể hiện tình yêu người mẹ hướng về con trai. Nguồn cảm hứng của Fara đã và luôn luôn là Ashraf. Không ngần ngại gọi con là "giáo viên tuyệt vời nhất", Fara khẳng định sẽ tiếp tục quan sát và áp dụng kiến thức học hỏi từ Ashraf cho nhà trường.Hiện nay, MIJ tọa lạc trên một tòa nhà cao tầng ở phố Changi, được trang bị bảy phòng học cùng phòng tập cho phép giáo viên tiến hành những buổi học "năng động hơn". Không chỉ cung cấp chương trình cho trẻ nhỏ, MIJ còn dạy người lớn khuyết tật các kỹ năng sống như nấu, đặt đồ ăn và đi làm một mình. Tương lai, Fara mong muốn đón tiếp thêm học sinh từ mọi lứa tuổi và chủng tộc.
Bên cạnh đó, MIJ chính là kế hoạch đảm bảo cho tương lai của chàng trai trẻ. "Có thể ngày nào đó thằng bé sẽ trở thành trợ giảng ở đây", bà mẹ đầy hy vọng.