Với mẹ Bo - chị Minh Hiền, 35 tuổi (giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - hôm đó là một ngày đáng nhớ đối với hai mẹ con, song ước mơ của chị không dừng ở đó. Chị muốn cậu bé đặc biệt của mình có một môi trường hoà nhập thực sự.
Bo cùng nhóm bạn trẻ tổ chức một ngày đến trường cho em vào 1/3 và 8/3 vừa qua. Ảnh: NVCC.
Song, bản năng làm cha, mẹ luôn phủ nhận. Vợ chồng chị Hiền cố gắng tìm đủ lý do, rằng: "Con mình từng biết gọi mẹ", "Vợ chồng mình đều bình thường", "Quá trình mang thai mình vui vẻ"... Cảm giác không thể tin được hiện hữu hàng đêm.
6 năm về trước, chị Hiền tham gia buổi họp lớp mà ở đó một người bạn nói về đứa cháu tự kỷ. "Lần đầu tiên nghe đến từ tự kỷ, tôi chợt hỏi: 'Biểu hiện của bệnh là gì?'. 'Không giao tiếp bằng mắt, chậm nói, hành vi lặp lại', người bạn nói. Có một cơn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Tôi nôn nóng về nhà ngay để nhìn con mình và thấy đúng là con có những biểu hiện ấy", chị kể.
Lúc đó Bo ngoài 22 tháng, cậu bé không còn biết gọi mẹ như hồi mười mấy tháng nữa. Em chỉ phát ra những tiếng ú ớ. Sau một khoảng thời gian mất cân bằng, vợ chồng chị Hiền nhìn thẳng vào sự thật. Họ bắt đầu tìm cho con các lớp can thiệp, bên cạnh ngày nửa buổi đi mẫu giáo và có giáo viên dạy kèm ở nhà. Tuy khó nhọc, chậm chạp nhưng Bo vẫn từng bước tiến lên.
Trẻ tự kỷ kém về ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội... Có những cái đương nhiên người khác làm được nhưng Bo phải học. Ví như để con uống nước, chị Hiền phải dạy qua các giai đoạn tu bình, xúc thìa, bóp sữa vào miệng, dùng ống hút, rồi mới đến dạy uống trưc tiếp bằng cốc, mất vài tháng mới thành thạo.
"Để con biết đạp xe, tôi phải ấn chân con trên bàn đạp bên phải, chị của Bo ở đầu bên kia quay vòng chân bên trái. Cứ tập vậy, sau ba ngày Bo hiểu nguyên lý của việc đạp xe", chị Hiền chia sẻ.
Tương tự, người thầy đầu không dạy được cho Bo bơi, chị Hiền đã tìm thầy thứ 2. Sau hai tháng Bo biết bơi, dù chỉ là bơi chó.
Chị Hiền luôn song hành cùng con trong nhiều hoạt động. Ảnh: NVCC. |
Lên 6 tuổi, quá tuổi mẫu giáo, Bo chỉ còn học ở trường chuyên biệt. Để con có bạn chơi, hai năm qua chị Hiền đã tổ chức các buổi "Làm bạn cùng Bo". Tại đó Bo chơi với các anh chị và ngược lại những đứa trẻ bình thường cũng học được cách thể hiện tình yêu thương người xung quanh. |
Tuy nhiên, việc khiến một đứa trẻ bình thường chơi với trẻ tự kỷ không đơn giản. Có lần tất cả các bạn nhỏ phản ứng: "Chơi với Bo mệt lắm" và không muốn chơi với em nữa. Chị Hiền chỉ nói đơn giản: Bây giờ cô đang khoẻ mạnh mà cô nói "Gia Huy lấy cô cốc nước thì đó là gì?". Các bạn ấy đồng thanh "là sai bảo". "Vậy nếu cô bị đau chân cô nhờ lấy cốc nước thì là gì?". Lũ trẻ nói "là giúp đỡ". "Thế trong căn phòng này ai là người cần giúp đỡ". Tất cả đều trả lời: "Là em Bo". Từ đó, khi không có mẹ, có chị gái ở bên, Bo vẫn có thể chơi với các anh chị khác hàng giờ.
Luôn song hành cùng con như vậy, chị Hiền từng không có ý niệm cho con tới trường. Song một năm trở lại đây chị nhận ra con càng ngày càng hiểu chuyện. Em nói các câu dài hơn, biết nói ra mong muốn của mình và đáp lại mọi người.
"Những bạn tự kỷ thường rất nguyên tắc, trước đây mà áo ướt Bo nằng nặc đòi thay, nhưng giờ giải thích là Bo nghe không thay nữa. Có bữa đi cà phê, Bo tự nhiên đọc hết các con số trên bàn. Mình thấy rằng con đã sẵn sàng cho việc hoà nhập", chị Hiền bộc bạch.
Bo ngoan nên khi cha mẹ bận có thể gửi em cho người quen. Có một điểm mẹ Hiền tự hào là, chỉ cần gọi "Dậy thôi Bo" là em bật dậy bất kể mấy giờ. Ảnh: NVCC. |
Người mẹ quan niệm hoà nhập là môi trường học có những cơ chế hỗ trợ để cá nhân được tham gia trọn vẹn, bình đẳng. Chính vì vậy chị bỏ qua các trường công trên địa bàn, trọng tâm hướng tìm các trường tư thục, nơi có ít học sinh, các cá nhân có khả năng nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Năm 2018 chị đã tìm hơn 10 trường trên địa bàn Cầu Giấy và Nam Từ Liêm, song tất thảy đều từ chối.
Sau trải nghiệm ở trường Long Biên ngày 1/3 vừa qua, thấy con rất vui vẻ, mong ước cho con được đi học hòa nhập lại trỗi dậy trong người mẹ. Chị đã viết một "tâm thư" lên Facebook xin học cho con trong tâm thế vui vẻ:
"Profile ngắn gọn về Bo: Sinh tháng 8/2011, nghĩa là năm nay đi học chậm mất 2 năm
- Dễ thương, hay cười. 99% người gặp đều có cảm tình với Bo, 1% còn lại thì yêu thương Bo.
- Ngoan ngoãn, nghe lời và khá hợp tác
- Nói ngọng: đây là ưu điểm lớn của Bo khi con có thể khiến mọi người cười vui vẻ về phát âm của mình".
Chị Hiền cũng cam kết sẽ đưa Bo về ngay lập tức nếu con không thể hoà nhập, gây mâu thuẫn, gây mất ổn định trong lớp và nhà trường. "Con sẽ luôn có giáo viên đi kèm, không kỳ vọng vào việc con học kiến thức, không quan trọng thành tích học tập, không cần hồ sơ học bạ... Mình chỉ cần một môi trường bình thường để con có thể bắt chước, hoà nhập", chị Hiền cho biết thêm.
Người mẹ không ngờ bài viết của chị đã khiến nhiều người xúc động và ngỏ ý giúp đỡ. Chị đã nhận được vài lời mời đến tham quan trường trong tuần này.
Đêm 20/3, chị Hiền khoe hai mẹ con vừa có buổi gặp mặt với một trường tư thục ở Cầu Giấy và sau buổi trò chuyện nhà trường đã trao cho Bo một tấm vé đi học. 8 tuổi, Bo sẽ chuẩn bị vào lớp một đầu tháng 4 này.