Cụ thể, theo báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái; ở một số huyện ngoại thành, như Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức... tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.
Ở huyện Sóc Sơn, tỉ lệ giới tính khi sinh giữa trẻ trai và gái 6 tháng đầu năm nay là 120/100. Ở huyện Quốc Oai hay Mỹ Đức, con số này là 115/100.
ThS.BS Hồ Mạnh Tưởng, Tổng hội Nội tiết và Sinh sản TPHCM nhận định, tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của Hà Nội hiện nay vẫn còn cao hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu tỉ lệ sinh ở Hà Nội là 112,8 bé trai/100 bé gái thì Ấn Độ là 112 bé trai/100 bé gái và Trung Quốc là 111 bé trai/100 bé gái.
Như vậy, dự tính con trai miền Bắc chừng 10 - 20 năm nữa sẽ khó kiếm vợ.
Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM. Ảnh: T.D
Các nước giàu có, văn minh như Anh, Mỹ (105/100), Canada (106/100) thì tỉ lệ này thấp hơn trung bình. Có vẻ như xã hội càng văn minh thì tỉ lệ này càng thấp.
Hàn Quốc mấy chục năm trước còn nghèo, tỉ lệ chênh lệch giới tính rất cao. Hiện nay, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, tỉ lệ chênh lệch giới tính tương đương các nước Âu, Mỹ.
Theo cơ quan chức năng, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Về lâu dài dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ, làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình...
Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các đơn vị khống chế gia tăng tỉ số giới tính khi sinh năm 2019 của thành phố. Thêm nữa, bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 20.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, đây đang là một thực trạng nguy hiểm gây mất cân đối tỉ lệ giới nghiêm trọng cho nước ta.
Tại TP HCM, ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2019, TP HCM có gần 30.000 trẻ em được sinh ra, tăng 1.759 trẻ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 14.279 trẻ nữ, 15.690 trẻ nam. Tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 109,9 trẻ nam/100 trẻ nữ, có xu hướng giảm so với năm 2019.