Tuy vậy, những câu chuyện về nghề được kể ra luôn gây xúc động bởi cuộc mưu sinh nhọc nhằn không thiếu nghĩa cử ân tình.
“Sau vụ bị một ông say xỉn móc dao dọa đâm, tôi vừa quét rác vừa phập phồng lo sợ” - anh Lê Hoàng Vững (49 tuổi), công nhân Xí nghiệp Vận chuyển số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, kể.
Bị côn đồ hành hung, dọa giết
“Khoảng 11 giờ khuya hôm đó, tôi đang quét rác thì bất ngờ một ông đi xe máy tông vào xe rác. Chiếc xe xoay ngang va vào người khiến tôi ngã chúi, xây xát tay chân” - anh Vững chìa bàn tay còn vết trầy.
“Ông ta liên tục quát tháo tôi và dùng lời lẽ miệt thị rằng tôi đã đậu xe rác choán đường đi mặc dù tôi để xe sát lề, lại có đèn tín hiệu. Những người dân sống gần đó lên tiếng bênh vực tôi cũng bị ông ta cự nự. Trước khi lên xe đi, ông này hăm dọa tôi đủ điều” - anh Vững nói.
Một lát sau, người đàn ông trở lại, chở theo một người đàn ông khác. Hai ông xuống xe, hùng hổ chửi mắng anh Vững và bất ngờ một ông rút dao ra. Anh Vững hoảng sợ bỏ chạy.
“Từ đó đến nay tôi vẫn phải tiếp tục quét rác hằng ngày trên tuyến đường xảy ra sự cố trong tâm trạng bất an” - anh Vững chia sẻ.
Là tài xế chạy xe rác cùng đơn vị với anh Vững, anh Đinh Văn Sia (40 tuổi) có lần suýt chết khi “đụng” nhóm thanh niên say xỉn.
“Lúc ấy đã khuya, tôi chạy xe chở rác từ hướng quận Gò Vấp qua quận 12 thì phát hiện tốp thanh niên độ năm người đang đi xe máy phía trước trong trạng thái say xỉn. Do họ đi giữa đường, lại chạy chậm nên tôi cho xe “bò” theo sau. Tới giữa cầu Trường Đai, bất ngờ một thanh niên đi xe máy từ sau vọt lên và cúp trước đầu xe rác” - anh Sia nhớ lại.
Người này cầm nón bảo hiểm đập nát kiếng xe rác. Đám thanh niên say xỉn còn lại đứng ven đường cầm đá chọi thẳng về phía anh Sia.
Ngoài vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc, ông Lê Hữu Diện còn nhiều lần cứu người tự tử và vớt xác chết. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Bị đối đãi cay nghiệt
“Công việc quét rác của chúng tôi đủ chuyện chua cay, kể cả nước mắt” - chị Huỳnh Thị Loan (45 tuổi), công nhân Xí nghiệp Vận chuyển số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, trải lòng.
“Tuyến đường tôi phụ trách có nhiều quán cà phê vỉa hè. Thấy tôi cầm chổi đi tới có người đứng lên để tôi quét, cũng có người nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu và ngồi ì.
Không chỉ vậy, chủ quán cà phê thấy tôi quét gần tới liền cầm thau nước tạt ra đường và nói làm vậy cho đỡ bụi. Nhưng kỳ thực người này cố tình tạt nước văng trúng tôi với hàm ý đuổi tôi đi để không phải quét gây bụi bặm. Tôi vừa quét vừa nuốt cơn nghẹn” - chị Loan thổ lộ.
Quẹt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Loan kể tiếp: “Có nhiều trường hợp tôi vừa quét xong đống rác thì chủ nhà liền tống mớ rác trong nhà ra đường. Tôi hỏi sao không đổ rác trước đó để tôi khỏi phải quét lại thì chủ nhà lớn tiếng: “Tôi quét rác ra đường chứ có quét rác vô nhà bà đâu mà bà nói”.
Ra tay cứu mạng nhiều người
“Hằng ngày chúng tôi vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM). Những bịch rác hôi thối, những con chó chết sình… được chúng tôi vớt sạch. Không chỉ vậy, chúng tôi còn cứu người tự tử và vớt cả xác chết” - ông Nguyễn Văn Luyến (51 tuổi), công nhân Xí nghiệp Vận chuyển số 3 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, nói.
Ông Luyến kể: “Buổi sáng chỉ cách đây ít ngày, tôi và anh Trần Văn Tài (38 tuổi) đang vớt rác ở khu vực cầu Công Lý thì nghe tiếng kêu: “Cứu con với chú ơi, con không muốn chết!”. Nhìn quanh, tôi phát hiện một cô gái độ 20 tuổi chới với giữa dòng nước chảy xiết. Tôi và anh Tài lao thuyền tới và đưa cô gái lên. Cô này lạnh run, tôi đưa áo phao và lái thuyền về bến”.
Ông Luyến tìm bộ quần áo cũ và đưa cô gái mặc. Cô gái than đói bụng và không tiền đi xe, các anh trong đội gom góp được 500.000 đồng đưa cho cô. “Trước khi đi, cô gái mở lời cám ơn và nói sẽ không làm chuyện dại dột nữa” - ông Luyến vui vẻ cho biết.
Ông Lê Hữu Diện (54 tuổi), công nhân cùng xí nghiệp với ông Luyến, cũng không nhớ hết đã bao nhiêu lần cứu người tự tử.
“Bữa đó, tôi đang ngồi trực tại văn phòng của đội thì nghe tiếng la cứu người. Trời tối như mực, tôi rọi đèn pin theo hướng tay mọi người chỉ và thấy ba cái đầu ngụp lặn trong dòng nước chảy xiết và nhanh chóng cứu họ”- ông Diện kể.
Đời công nhân vệ sinh nhọc nhằn như thế nhưng “đã gắn với nghề thì chúng tôi phải làm hết mình để đường phố sạch đẹp. Chỉ mong được sự thấu hiểu, chia sẻ của xã hội để chúng tôi vơi bớt nhọc nhằn” - một công nhân vệ sinh bày tỏ.
Trả lại 43 triệu đồng cho người đánh rơi Anh Trần Quang Vinh, công nhân Xí nghiệp Dịch vụ môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, vừa được lãnh đạo khen thưởng vì đã trả chiếc máy ảnh đắt tiền của khách bỏ quên. Trước đó không lâu, đồng nghiệp của anh Vinh, anh Nguyễn Văn Duyên cũng được lãnh đạo khen thưởng vì đã trả lại tiền đánh rơi cho khách. “Tôi là bảo vệ nghĩa trang Đa Phước, khi đi ngang khu vực E-5, tôi thấy một túi xách nằm gần bồn hoa một ngôi mộ. Tôi mở ra thì thấy hơn 43 triệu đồng, điện thoại di động đắt tiền và nhiều giấy tờ. Thực tình mà nói tôi đang cần số tiền khá lớn để trang trải việc gia đình nhưng tôi cũng nghĩ là người mất sẽ khổ sở vì số tiền quá lớn” - anh Duyên bộc bạch. Bị đối xử tệ vẫn cần mẫn làm tốt công việc Đường sá sạch đẹp là nhờ công nhân quét rác và vận chuyển xe rác. Thế nhưng vẫn còn nhiều người tỏ thái độ khiếm nhã và có lời nói vô cảm với công nhân của tôi. Không ít người trong số các công nhân bị xe máy va quẹt, không hiếm chị em quét rác bị các ông say xỉn cợt nhả… Nhưng vượt qua những lời dè bỉu, các anh chị em vẫn cần mẫn với công việc hằng ngày. Ông NGUYỄN VĂN CÔNG, Giám đốc Xí nghiệp Vận chuyển số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM |
Nữ công nhân môi trường bị hành hung: 'Nhiều người coi thường vì công việc bẩn thỉu, hôi hám'
Trao đổi với PV, nữ công nhân môi trường đô thị vẫn cảm thấy sợ hãi khi nhớ lại cảnh bị hành hung đến mức ... |
Công nhân ‘trắng đêm’ đội mưa làm cầu vượt thép 'giải cứu kẹt xe' ở Tân Sơn Nhất
Trong đêm mưa, hàng chục công nhân vẫn hối hả thi công cầu vượt thép "giải cứu kẹt xe" ở sân bay Tân Sơn Nhất. |