Bác sĩ 28 tuổi người Ê Đê được tôn vinh thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc 2017 | |
Nhiều ca bệnh khó, lạ được bác sĩ Việt Nam chữa trị thành công |
Căng thẳng, lo âu sinh bệnh
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu (ngoài cùng bên phải) đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh Mai Phương |
Trong rất nhiều bệnh lý nghề nghiệp mà nhân viên y tế thường mắc phải, viêm dạ dày cấp được xem như một bệnh phổ biến. BS CKI Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp cứu chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân và yếu tố thúc đẩy bệnh viêm dạ dày, muốn phòng ngừa cần giảm căng thẳng, lo âu, ngủ sớm, hạn chế các chất kích thích (cà phê, trà), ăn uống đúng giờ… Tuy nhiên, do tính chất công việc, nhân viên cấp cứu thường xuyên ăn uống không đúng giờ, ăn chiều cho cữ trưa, ăn tối cho cữ chiều, thậm chí còn nhịn đói suốt ca trực”.
Bác sĩ Hậu kể, gặp người bệnh trong tình trạng nặng, ranh giới giữa sự sống chết, một hành động, một việc làm không cẩn trọng sẽ đem lại kết quả không hề mong muốn. Do đó luôn có áp lực vô hình đè nặng lên tâm lý của y bác sĩ. Bên cạnh đó, nhân viên y tế còn chịu nhiều áp lực của những bệnh lây nhiễm, bệnh xã hội, một bộ phận không nhỏ người bệnh say xỉn, tai nạn, sau đó vào quát tháo nhân viên… được xem như việc thường ngày.
Có những bạn trẻ mới vào nghề chưa quen với việc thức thâu đêm, phải uống cà phê lúc 3-4 giờ sáng phục vụ cho công việc nhiều căng thẳng. Điều này không tốt cho sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng, khiến bệnh dạ dày thường xuyên tái phát và không thể dứt hẳn.
“Có trường hợp một nhân viên đang trực bị đau bụng do viêm dạ dày, phải ngưng làm việc và nhờ đồng nghiệp tiêm thuốc. Chỉ nghỉ ngơi chốc lát rồi tiếp tục công việc, vì không ai thấy đồng đội đang chiến đấu mà mình không góp sức được. Nhìn bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch là món quà vô cùng ý nghĩa của mỗi nhân viên y tế. Sau đó, đợi hết ca trực mới tính đến việc nghỉ ngơi, dưỡng bệnh”, bác sĩ Hậu trải lòng.
Nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm
Nhân viên y tế thường làm việc với áp lực căng thẳng, ăn nghỉ không đúng giờ. Ảnh Mai Phương |
Cùng nỗi niềm trên, PGS.TS BS Lê Tiến Dũng - Trưởng khoa Hô hấp chia sẻ: “Thức đêm thường xuyên, làm việc không có giờ giấc cố định, thường xuyên tiếp xúc gần với người bệnh lây nhiễm…khiến nhân viên y tế có nguy cơ cao dễ bị bệnh lây nhiễm, nhất bệnh lao phổi”.
Theo bác sĩ Dũng, vi khuẩn lao có thể sống rất lâu ở môi trường ngoài cơ thể và thường tồn tại ở phòng bệnh, nhà vệ sinh, nơi công cộng, xe buýt... Vi khuẩn lao cũng tồn tại trong không khí, nên nhân viên y tế dễ lây bệnh do hít phải các giọt bắn của người bệnh lao hắc hơi, ho, thở.
Ngoài ra, nhân viên y tế còn có thể bị lây nhiễm cúm, thủy đậu, viêm phổi… do tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người bệnh trong quá trình phẫu thuật, chăm sóc người bệnh, lấy máu xét nghiệm, làm thủ thuật như viêm gan siêu vi B,C, HIV - AIDS…
Tranh thủ vận động
Bác sĩ Đình cho hay, công việc phải đứng liên tục cần thay đổi tư thế thường xuyên. Ảnh Mai Phương |
Bệnh suy dãn tĩnh mạch có dấu hiện ban đầu thường khá mờ nhạt, đứt quãng, dễ nhầm lẫn với bệnh xương khớp nên ít được để ý và dễ dàng bỏ qua. ThS BS. Lê Quang Đình - Khoa Lồng ngực mạch máu cho biết: “Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh suy dãn tĩnh mạch chưa được xác định rõ ràng. Song có một vài nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh về tĩnh mạch như do tuổi tác, nghề nghiệp, di truyền hoặc mang thai”.
Bác sĩ ngoại khoa hoặc các điều dưỡng trong phòng mổ có nguy cơ cao mắc bệnh và khi đã nhiễm thì dễ diễn tiến nặng. “Phòng bệnh bằng việc thay đổi tư thế trong khi mổ hoặc với những ca mổ kéo dài nên mang vớ y khoa”, bác sĩ Đình nói.
Vị bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, có thể phòng ngừa bằng cách ăn nhiều rau củ, hoa quả tươi, ngũ cốc… tránh bị táo bón, cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nên mang giày đế mềm, gót thấp, không mặc quần áo quá chật, tập những môn thể thao có động tác nhẹ nhàng, kê chân cao khi ngủ. Tại nơi làm việc, ngồi đúng tư thế, tránh ngồi xếp, gấp chân. Với công việc phải đứng liên tục cần thay đổi tư thế thường xuyên. Có thể tranh thủ sử dụng thang bộ, cố gắng chạy tại chỗ hoặc đứng nhón gót chân 15 - 20 lần liên tục sẽ giúp làm giảm tải lên hệ thống tĩnh mạch.