Những chiến lược ứng phó với biến động trên thị trường chứng khoán

Thị trường biến động mạnh có thể làm nảy sinh lo lắng, thổi phồng sự không chắc chắn và khiến nhà đầu tư ngã lòng, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm nhất.
4 chiến lược đối phó với biến động thị trường - Ảnh 1.

(Nhà đầu tư trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters)

Những rắc rối khi thị trường biến động

Chậm trễ: Thị trường biến động thường gắn liền với khối lượng giao dịch cao và có thể khiến việc xử lý lệnh bị chậm trễ. Khối lượng giao dịch lớn cũng có thể khiến giá khớp lệnh chênh lệch nhiều so với giá niêm yết tại thời điểm nhập lệnh.

Với sự gia tăng của giao dịch trực tuyến, nhà đầu tư luôn mặc định rằng lệnh sẽ được thực hiện với mức giá bằng hoặc gần bằng số hiển thị trên màn hình. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Thảm họa hệ thống: Nhà đầu tư có thể không đặt được lệnh vì hệ thống bị quá tải. Thậm chí, nhà đầu tư có thể còn không truy cập được tài khoản do nghẽn mạng. Vì những lý do này, hầu hết công ty chứng khoán đều cung cấp giải pháp dự phòng như đặt lệnh qua điện thoại.

Giá niêm yết không chính xác: Giá khớp lệnh và giá niêm yết chứng khoán mà nhà đầu tư nhìn thấy có thể có sự khác biệt lớn. Trong môi trường thị trường biến động, ngay cả giá hiển thị theo thời gian thực cũng có thể khác xa so với những gì đang xảy ra trên thị trường. 

Ngoài ra, khối lượng chào bán và chào mua cổ phiếu tại các mức giá nhất định có thể thay đổi nhanh chóng, ảnh hưởng đến khả năng nhà đầu tư mua hay bán cổ phiếu theo giá niêm yết.

Phương án giải quyết: Trong thị trường biến động, lệnh giới hạn (LO) là lựa chọn hợp lý với nhà đầu tư. Lệnh giới hạn có thể tốn kém hơn lệnh thị trường (MO), nhưng nó sẽ giúp ấn định giá nhà đầu tư đặt mua và đặt bán. Tuy nhiên, hạn chế của lệnh giới hạn là chưa chắc lệnh sẽ được khớp, có thể khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội.

4 chiến lược đối phó với biến động

Nhất quán với kế hoạch ban đầu

Thị trường suy giảm đột ngột có thể tạo ra những tác động rất khác nhau giữa người mới bắt đầu sự nghiệp và người sắp nghỉ hưu. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải hiểu hoàn cảnh và kế hoạch tài chính của mình.

Ví dụ, nhà đầu tư có thể đang tiết kiệm để mua nhà hay khởi nghiệp. Nếu mục tiêu này đã gần được hoàn thành thì anh ta nên chấp nhận ít rủi ro hơn dù quyết định này có thể ảnh hưởng xấu đến tổng lợi nhuận.

Morgan Stanley đưa ra hai lý do cho lời khuyên trên. Thứ nhất, theo trực giác, một người nên chọn ít rủi ro khi có nhiều thứ để mất hơn là đạt được. Thứ hai, để có thể yên tâm rằng mục tiêu sẽ không bị phá hỏng, nhà đầu tư có thể muốn giảm thiểu sự không chắc chắn bằng cách giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và nắm giữ nhiều tài sản an toàn hơn. 

Nếu nhà đầu tư vẫn còn chặng đường dài để đến được mục tiêu thì lời khuyên tốt nhất có lẽ là nên đối mặt với biến động thay vì trốn tránh. Nghiên cứu của Morgan Stanley cho thấy rằng thị trường dễ dự đoán nhất với thời hạn đầu tư là từ 7 đến 10 năm.

Ở lại thị trường

Theo Franklin Templeton, các khoản lỗ ngắn hạn có thể gây ra lo lắng, nhưng để cảm xúc chi phối quyết định có thể khiến nhà đầu tư phải trả giá đắt. Chìa khóa để sống chung với biến động thị trường là tập trung vào kết quả dài hạn thay vì tăng giảm hàng ngày. Ở lại thị trường là điều khó khăn khi giá chứng khoán liên tục lao dốc, nhưng hành động này cũng có thể tạo ra cơ hội.

Đại dịch COVID-19 là minh chứng rõ ràng cho lời khuyên trên. Chứng kiến thị trường và giá trị danh mục tụt dốc mỗi ngày từ cuối tháng 2 không phải là cảm giác dễ chịu gì. Chỉ trong một tháng, chỉ số S&P 500 sụt giảm 34%.

Nhưng những nhà đầu tư gan dạ ở lại thị trường chứng khoán Mỹ đã được tưởng thưởng với tỷ suất lợi nhuận hơn 68%. Những người tháo chạy thì lại bỏ lỡ chuyến tàu hồi phục của chứng khoán Mỹ.

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng sụt tới 33% trong giai đoạn từ 22/1 đến 24/3/2020, tuy nhiên sau đó cũng hồi phục tới 67% về cuối năm.

4 chiến lược đối phó với biến động trên thị trường chứng khoán - Ảnh 3.

Chỉ số VN-Index lao dốc xuống đáy vào tháng 3/2020 rồi liên tục hồi phục mạnh mẽ. (Nguồn: Tradingview).

Một trong những ngộ nhận thường thấy về chiến lược mua và nắm giữ là việc sở hữu một cổ phiếu trong suốt 20 năm sẽ tự động sinh ra tiền. Sự thật là đầu tư dài hạn vẫn đòi hỏi theo dõi và phân tích vì thị trường dựa trên các yếu tố căn bản của doanh nghiệp. 

Nếu nhà đầu tư tìm thấy công ty có bảng cân đối kế toán lành mạnh và lợi nhuận ổn định, biến động ngắn hạn sẽ không ảnh hưởng đến giá trị dài hạn của cổ phiếu này. Do đó, giai đoạn biến động mạnh có thể là thời điểm tuyệt vời để mua thêm cổ phiếu.

Đa dạng hóa

Đa dạng hóa là yếu tố chính của đầu tư. Nhưng khi thị trường thay đổi, danh mục đầu tư có thể cũng cần biến đổi. Những lần thị trường biến động mang đến cơ hội tuyệt vời để đánh giá lại và tái cân bằng danh mục đầu tư.

Khi giá chứng khoán lao dốc, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư cũng giảm. Nhà đầu tư muốn duy trì mục tiêu ban đầu (ví dụ 80% cổ phiếu, 20% trái phiếu Kho bạc) sẽ phải mua thêm cổ phiếu.

Tuy nhiên, một danh mục đầu tư được đa dạng hóa không chỉ bao gồm các nhóm tài sản khác nhau như trái phiếu, cổ phiếu hay chứng khoán phái sinh. Những công cụ này còn tiếp tục được phân loại tùy theo từng ngành và doanh nghiệp cụ thể.

Ví dụ, danh mục đầu tư được đa dạng hóa có thể bao gồm cổ phiếu ngành bán lẻ, giao thông, công nghệ và hàng tiêu dùng thiết yếu.Trong khủng hoảng COVID-19, cổ phiếu hàng không sụp đổ còn ngành công nghệ thì tăng vũ bão. 

Những nhà đầu tư sớm bán ra cổ phiếu hàng không và đầu tư vào nhóm công nghệ sẽ vừa tránh được tổn thất vừa được lợi lớn. Trái phiếu thì có trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp phát hành. 

Chủ động quản lý rủi ro

Đừng bị động khi đối mặt với thị trường biến động. Các quyết định trên thị trường có thể ảnh hưởng lớn đến tiền bạc và tương lai nhà đầu tư. An tâm với kế hoạch và danh mục là điều quan trọng, nhưng nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ mức chịu rủi ro của mình.

Đầu tiên, nhà đầu tư nên hình dung tâm lý của bản thân khi thị trường sụt giảm. Cụ thể, bạn sẽ phản ứng như thế nào khi giá trị khoản đầu tư sụt giảm bất ngờ? Bạn sẽ lo lắng về việc thua lỗ và bán sạch cổ phiếu để không phải chịu thêm tổn thất? Hay bạn có thể giữ bình tĩnh và theo đuổi kế hoạch tài chính?

Khả năng chấp nhận rủi ro cũng là một yếu tố quan trọng. Dù bạn có thể giữ tinh thần sắt đá khi thị trường biến động, nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên chấp nhận rủi ro lớn. Khả năng chịu rủi ro được xác định bởi vị trí của bạn trong hành trình cuộc đời cùng với các kế hoạch và mục tiêu. Khả năng chịu rủi ro thay đổi khi bạn kết hôn, thay đổi công việc, sinh con hoặc mua nhà.

Mức độ rủi ro phù hợp trong đầu tư có thể mang lại cho bạn sự tự tin để gắn bó với kế hoạch tài chính ngay cả khi thị trường diễn biến bất ngờ. Nhưng nếu bắt đầu cảm thấy lo lắng hoặc không thoải mái về các khoản đầu tư, hãy thận trọng về cách bạn phản ứng. Phản ứng tự nhiên của bản thân có thể khiến bạn bán giá thấp thay vì giữ một cổ phiếu có khả năng phục hồi.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.