Học sinh lớp 12 trong một tiết học. Ảnh: Thanh Niên |
Mới đây, tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam do Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức, Tổng chủ biên chương trình GS Nguyễn Minh Thuyết đã công bố những điểm mới của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, điểm mới nhất của dự thảo lần này là sự phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học và THCS; còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp học THPT.
Đối với giai đoạn Giáo dục cơ bản sẽ bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó dự thảo có nêu cụ thể các môn học bắt buộc toàn phần, bắt buộc có phân hóa và các môn tự chọn.
Đối với giai đoạn định hướng nghề nghiệp thực hiện từ cấp THPT gồm 2 giai đoạn nhỏ: Lớp 10 được coi là dự hướng nghề nghiệp còn lớp 11-12 là giai đoạn tiếp cận nghề nghiệp. Giai đoạn này cũng bao gồm những môn học bắt buộc và tự chọn. Tuy nhiên theo GS Thuyết, ở giai đoạn này sẽ không có môn tích hợp và học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, để đảm bảo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường, thì học sinh lớp 11-12 tự chọn tối thiểu 5 môn trong các môn bắt buộc và số lượng tiết học phải đảm bảo yêu cầu.
Như vậy, theo dự thảo mới thì ở cấp THCS không tích hợp môn Lịch sử và Địa lý thành môn Khoa học xã hội và không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân với Tổ quốc ở cấp THPT như dự thảo năm 2015 đã nêu.
Lý giải về những điểm mới của dự thảo, GS Thuyết cho biết, chương trình mới đã giảm số môn học và cho phép học sinh tự chọn môn học để định hướng nghề nghiệp, đây là định hướng giáo dục phù hợp với thực trạng dạy và học ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, dự thảo còn đề cập đến hướng tích hợp các môn học. Theo báo cáo của Viện Khoa học giáo dục thì quan điểm tích hợp trong chương trình là phù hợp và cần phát triển ở mức độ cao hơn.
Dự thảo cũng nêu rõ, việc tích hợp trong nội bộ các môn học được thực hiện ở cả 3 cấp học, riêng việc tích hợp các nội dung dạy ở một số môn/ lĩnh vực thành môn học mới chỉ phù hợp đối với các cấp tiểu học và THCS, còn ở cấp THPT, dạy theo từng môn học riêng để thực hiện phương thức tự chọn theo định hướng nghề nghiệp của bản thân.