Sắp hết thời bộ ngành ôm 'đất vàng' | |
'Đất vàng' khu vực Hãng phim truyện Việt Nam giá bao nhiêu? | |
Dự án ‘đất vàng’ đầu tiên ở Sài Gòn bị nhà nước thu giữ siết nợ |
Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà (HAIHACO ) là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo lớn nhất tại Việt Nam, là Doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo được cấp chứng nhận hệ thống "Phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn" (HACCP) tại Việt Nam. Điều này thể hiện cam kết của Lãnh đạo doanh nghiệp về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sức khoẻ của người tiêu dùng.
Doanh thu năm 2016 của Haihaco đạt gần 855 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 42 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2015; chia cổ tức năm 2016 tỷ lệ 15%. Trong năm 2016, nhóm sản phẩm bánh chiếm 48,7% tỷ trọng, nhóm kẹo chiếm 51,3% tổng doanh thu.
Định hướng kinh doanh năm 2017, ban lãnh đạo công ty dự kiến sẽ điều chỉnh cân bằng tỷ trọng giữa nhóm bánh và nhóm kẹo, đổi mới công nghệ sản xuất...Năm 2017 Haihaco đặt mục tiêu đạt 890 tỷ đồng doanh thu, tăn 4% so với thực hiện năm 2016; lợi nhuận trước thuế ước đạt 42 tỷ đồng, bằng với lợi nhuận đạt được năm 2016.
Cách đây hai năm, bánh kẹo Hải Hà cũng đã từng xây dựng dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại số 25 - Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội. |
Cho dù đã niêm yết từ 2007 nhưng cổ phiếu HHC luôn trầm lắng, giao dịch với khối lượng rất ít và giá cổ phiếu phần lớn thời gian ở mức thấp 7.000-20.000 đồng/cp. HHC bắt đầu bùng nổ tăng giá từ cuối 2016, tăng gấp 2-2,5 lần có lúc lên gần 53.000 đồng/cp trong vài phiên gần đây.
Năm 2017 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn của Haihaco khi về cơ cấu sở hữu khi Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp. Cuối tháng 3/2017, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam - Vinataba đã thoái toàn bộ 51% vốn của Hải Hà.
Theo tin từ Sở GDCK Hà Nội, ngày 29/5, một nhà đầu tư cá nhân, bà Trương Thị Bửu, đã mua vào 3.942.000 cổ phiếu HHC tương ứng 24% vốn điều lệ của Bánh kẹo Hải Hà và trở thành cổ đông lớn. Trước giao dịch này bà Bửu không sở hữu cổ phiếu HHC nào.
Cũng vào ngày 29/5, ông Lưu Văn Vũ, cũng là một nhà đầu tư cá nhân, đã mua vào 3.942.000 cổ phiếu HHC tương ứng 24% vốn điều lệ Bánh kẹo Hải Hà và trở thành cổ đông lớn. Trước giao dịch này ông Vũ cũng không sở hữu cổ phiếu HHC nào. Tuy nhiên, vợ ông Vũ, bà Trương Tú Phượng cũng đang nắm giữ 483.600 cổ phiếu.
Như vậy, đã xuất hiện thông tin 2 cá nhân mua vào trong ngày 29/5 là bà Bửu và ông Vũ. Tổng số cổ phiếu 2 cá nhân này mua vào là 7.884.000 cổ phiếu.
Ngày 29/5, có 3 cổ đông là các nhà đầu tư cá nhân là bà Lê Bích Thục, ông Nguyễn Văn Bắc và bà Trần Thị Thu Trang đã thoái toàn bộ gần 51% vốn tại Bánh kẹo Hải Hà tương ứng gần 8,4 triệu cổ phần. Đây chủ yếu là số cổ phần các nhà đầu tư này mua vào dịp Vinataba thoái vốn.
Trái với động thái bán ra của 3 nhà đầu tư trên, bà Bửu lại mua vào 24% cổ phần Bánh kẹo Hải Hà, còn thông tin cụ thể về nhà đầu tư mua số cổ phần mà bà Lê Bích Thục, ông Nguyễn Văn Bắc và bà Trần Thị Thu Trang thoái cũng chưa rõ ràng.
Số cổ phiếu này vẫn chưa hết long đong, vì cũng chỉ hơn 1 tháng sau đó, các cổ đông mới vừa mua lại số cố phiếu trên, lại chuyển nhượng cho một nhóm cá nhân khác.
Ngoài ra, tại thời điểm Vinataba thoái vốn cũng có một cổ đông khác đứng ra mua lại số lượng cổ phần lớn từ các cổ đông nhỏ lẻ. Tỷ lệ nắm giữ của cổ đông này đã lên đến gần 24% vốn điều lệ.
Số cổ phần này, cộng với 51% cổ phần có nguồn gốc từ Vinataba sở hữu trước đây được mua đi bán lại nhiều lần. Hiện tại, chỉ một vài cổ đông đang nắm chi phối tới 75% cổ phần tại đại gia ngành bánh kẹo này.
Theo đánh giá của các giới chuyên gia, thì hiện nay, các cổ đông lớn chưa hẳn thực sự quan tâm đến việc lãi lỗ của doanh nghiệp này mà mối quan tâm lớn nhất có thể vẫn là khu đất vàng tại số 25 - Trương Định, Hà Nội đang do công ty này sở hữu.
Cách đây hai năm, Bánh kẹo Hải Hà cũng đã từng xây dựng dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 25 - Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cụ thể, Công ty đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Liên danh giữa Công ty cổ phần ACI Việt Nam và Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á, thành lập công ty cổ phần để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Song việc triển khai dự án hiện đang gặp khó khăn do chủ trương của Chính phủ là hạn chế và tiến tới tạm dừng cấp phép mới cho các dự án nhà cao tầng trong khu vực nội đô. Do vậy, UBND TP. Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch cho khu đất dự án tại 25 - Trương Định.
Một trường hợp tương tự cũng đã diễn ra tại CTCP Thực phẩm Hữu nghị (HNF).
Có mặt trên thị trường 20 năm qua, Hữu Nghị nổi tiếng với bánh mứt kẹo, bánh trung thu. Ngay từ lúc mới thành lập, doanh thu của Công ty mới chỉ bằng 1/10 của Kinh Đô, nhưng lãnh đạo Hữu Nghị đã đặt tham vọng phải vùng lên, đạt được vị trí sau Kinh Đô.
Thực tế, nếu so sánh về doanh thu, Hữu Nghị chỉ đứng sau Kinh Đô, với doanh thu năm 2016 đạt 1.446 tỷ đồng. Khi bánh kẹo Kinh Đô thuộc về Tập đoàn Mondelēz International, Hữu Nghị trở thành doanh nghiệp nội đứng đầu về doanh thu, chiếm thị phần 8% trong toàn ngành.
Tháng 11/2015, Cty CP Thực phẩm Hữu Nghị (mã giao dịch là HNF) chính thức giao dịch 20 triệu cổ phiếu trên thị trường UPCoM, với giá tham chiếu 13.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng chung tình hình, các phiên giao dịch mã cổ phiếu HNF của Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị cũng diễn ra khá lặng lẽ.
Các đợt “sóng” cổ phiếu HNF thực sự nổi lên khi Vinataba đăng ký thoái toàn bộ vốn góp tại HNF (hơn 10,3 triệu cổ phiếu, chiếm 51,74% vốn điều lệ HNF).
Ngay sau khi Vinataba thoái vốn đã có 2 cá nhân là ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lưu Thanh Tâm chi tổng cộng khoảng 260 tỷ đồng để sở hữu 6 triệu cổ phiếu (tương đương 20% và 10%) cổ phần tại HNF.
Có mặt trên thị trường 20 năm qua, Hữu Nghị nổi tiếng với bánh mứt kẹo, bánh trung thu (Ảnh minh hoạ internet) |
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị, cổ đông đã thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất 122 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) thành văn phòng làm việc, công trình nhà ở để kinh doanh.Nhiều người tò mò về hai nhân vật “bí ẩn” này vì thực tế họ không có “tên tuổi” trong thương trường và người ta cho rằng họ đến với Hữu Nghị thực ra là nhắm đến khu đất tại số 122 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).
Tuy nhiên đến 30/06/2017, công ty vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như lập dự án quy hoạch.
Trước đó, có hai doanh nghiệp trong giới bánh kẹo cũng đã chào bán thành công khu đất vàng, đó là Công ty Bánh kẹo Tràng An và Công ty Bánh kẹo Hải Châu.
Cụ thể, Công ty Bánh kẹo Tràng An đã bán khu đất “vàng” rộng tới 2,6 ha nằm trên đường Phùng Chí Kiên, cách đường Hoàng Quốc Việt khoảng 100m bán cho GP Invest từ đầu năm 2015 để xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp Tràng An Complex.
Công ty Bánh kẹo Hải Châu cũng sang tên đổi chủ khu đất giá trị lớn có diện tích rộng gần 2,9ha, nằm ở địa chỉ 622 Minh Khai (Hà Nội) cho chủ đầu tư là Handico 5 để khởi công dự án nhà ở xã hội.
Số tiền mà hai doanh nghiệp này thu được bao nhiêu từ việc bán đất đến nay vẫn chưa được tiết lộ nhưng người ta hoàn toàn có thể hiểu được mức độ giá trị của khu "đất vàng” này.