Những góc nhìn sai lầm của doanh nghiệp vừa và nhỏ về chuyển đổi số

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng chuyển đổi số chỉ doanh nghiệp lớn mới làm được, tuy nhiên quan điểm này là sai lầm hoàn toàn.

Chuyển đổi số không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn

Tại Hội nghị chuyên đề Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về CNTT&TT - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020, diễn ra vào ngày 15/12, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc VCCorp, nhà sáng lập Bizfly, nhận định rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SMEs) thường có 4 góc nhìn sai lầm lớn về chuyển đổi số.

4 điều mà ông Tuấn nhắc đến bao gồm: chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp lớn; chuyển đổi số tốn nhiều tiền; chuyển đổi số triển khai càng nhiều càng tốt, tiến trình diễn ra nhanh chóng; chuyển đổi số là "chiếc đũa thần" giúp doanh nghiệp cất cánh ngay lập tức.

Ông dẫn một khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, chỉ ra rằng các doanh nghiệp đang chuyển đổi số trên cả nước chiếm khoảng 15%. 

Trong khi đó, phần lớn SMEs đang gặp khó khăn về vốn nên việc chuyển đổi số vẫn là sự "khao khát" của khoảng 72% SMEs. Số còn lại cho rằng chuyển đổi số là việc của các doanh nghiệp "lớn".

"Cách nhìn trên là hoàn toàn sai lầm vì không chỉ doanh nghiệp lớn mà các SMEs cũng cần chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện đang sử dụng các công cụ như bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot hoặc các hệ thống tự động hoá... đó cũng là chuyển đổi số nhưng họ chưa ý thức được chuyện này", ông Tuấn chia sẻ.

Các góc nhìn sai lầm về chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc VCCorp, nhà sáng lập Bizfly. (Ảnh: SME Connect - VP Bank).

Khi không có các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số, doanh nghiệp thường mắc phải những vấn đề nan giải như không hiểu hành vi của khách hàng, chi phí marketing tăng nhưng doanh thu không tăng, khó mở rộng kênh phân phối và bán hàng, thiếu nhân sự có chuyên môn, thiếu tài chính và không có đủ dữ liệu.

Theo ông, đối với các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, một năm chi phí cho quá trình chuyển đổi số chỉ tốn vài chục triệu đồng, tương ứng trung bình khoảng 1 - 2 triệu/tháng, chưa bằng tiền lương trả cho một nhân viên cấp thấp trong công ty. Nếu dùng các giải pháp chuyển đổi số, doanh nghiệp bớt được một nhân sự thì họ đã hòa vốn.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến việc chuyển đổi số nên được triển khai từ những khâu nhỏ nhất, chọn lọc những điểm cần thực hiện và không nhất thiết phải triển khai toàn bộ trên cả hệ thống doanh nghiệp.

Ngoài ra, muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần thời gian và phải tùy mức độ, phạm vi lựa chọn của bản thân doanh nghiệp. "Giai đoạn đầu triển khai sẽ rất mệt mỏi, tốn chi phí, mất thời gian, thậm chí làm doanh thu chững lại. Tuy nhiên nếu thành công, chuyển đổi số sẽ giúp SMEs hoạt động hiệu quả hơn", ông Tuấn khẳng định.

Người đứng đầu doanh nghiệp phải nhận thức rõ về chuyển đổi số

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young, Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) cho rằng các vấn đề như SMEs có thể chuyển đổi số hay không hay bắt đầu chuyển đổi số từ đâu đều do quyết định của người lãnh đạo.

Phát biểu tại buổi hội nghị, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị SMEs (Hiệp hội SMEs Việt Nam) cho rằng các chủ doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam đang còn ít quan tâm tới việc chuyển đổi số trong khi việc này cần bắt đầu từ tư duy của họ.

Các góc nhìn sai lầm về chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị SMEs (Hiệp hội SMEs Việt Nam). (Ảnh: tinhanhchungkhoan.vn).

Bên cạnh đó, ông cho rằng doanh nghiệp nên tích cực chia sẻ thông tin dữ liệu của mình trên nền tảng số, bắt đầu với iCloud rồi sau đó đầu tư cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn hơn. Đồng thời ông cho rằng các SMEs cần được sự hỗ trợ từ việc cung cấp cho các nhân viên của họ về nền tảng số. 

Ông Hùng cũng đưa ra kiến nghị Ngân sách Nhà nước nên cung cấp miễn phí 1 - 2 năm công nghệ mới cho các nhân viên của SMEs, mà cụ thể là cung cấp nền tảng bán hàng sau đó mới là nền tảng quản trị. Đồng thời ông cho rằng để nhân viên muốn số hóa cần có một hệ thống đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số.

Các chủ doanh nghiệp cần vạch ra một lộ trình cụ thể từ hai năm trở lên, ông Hùng cũng hi vọng Cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công thông tin của Hiệp hội sẽ sớm công bố chạy chương trình hướng dẫn SMEs tự xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

"Trước khi áp dụng các bước trong lộ trình về chuyển đổi số, tôi mong SMEs phải sẵn sàng minh bạch về dữ liệu của công ty trước nhà đầu tư, khách hàng như một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán", ông Hùng nhấn mạnh.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.