Đại dịch khiến doanh nghiệp ý thức hơn về vai trò của chuyển đổi số

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 12/10, Đại học Quốc gia TP HCM phối hợp với Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội thảo “Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cho kinh tế Việt Nam cơ hội cùng với những thách thức. Nếu tận dụng được sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông thì kinh tế Việt Nam sẽ cơ hội rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. 

Tuy nhiên, hiện nay khối lượng dữ liệu số hóa ước tính mới được khoảng dưới 30%, còn lại trên 70% vẫn nằm trên giấy. Đó là kết quả của cơ chế quản lí thủ công, bán tự động mà lịch sử để lại. Bài toán đặt ra cho Nhà nước, Chính phủ để chuyển đổi sang nền kinh tế số là số hóa và khai thác các dữ liệu này như thế nào cho hiệu quả.

COVID-19 khiến doanh nghiệp ý thức hơn về vai trò của chuyển đổi số  - Ảnh 1.

Các diễn giả tại hội thảo “Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”. (Ảnh: Như Huỳnh).

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52 ban hành ngày 29/7/2019 về một số chủ trương chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lấy phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. 

Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số, để phát triển chính doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển chung.

Theo đó, sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia đạt mức 17%. Đến hết tháng 7 năm nay, các giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 190% so với cùng kì của năm 2019. 

Lượng người dân sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến trong quí II, đã tăng hơn 40% so với quí trước, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. 

Đại diện của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đề nghị, cần tách bạch khái niệm nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp lập nghiệp đơn thuần. Các đại biểu cũng đề nghị, cần có những hỗ trợ sát sao hơn với các doanh nghiệp khởi nghiệp, có sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ.

“Chúng ta còn thói quen sử dụng phương thức trao đổi, quản lí cũ. Tuy nhiên tình hình hiện nay đòi hỏi phải chuyển đổi quản lí theo số. Chúng ta có đầy đủ cơ chế rồi, vấn đề là làm và nếu vướng thì nói rõ để điều chỉnh”, TS Kiên nhấn mạnh.

Từ góc độ người làm giáo dục, ông Lê Hoành Sử, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM cho rằng, các cơ sở giáo dục cần đào tạo cho sinh viên về nhận thức và hình thức thái độ tích cực về chuyển đổi số và các công nghệ lõi thúc đẩy chuyển đổi số như AI, Tự động hóa, IoT, in 3D, Blockchain, Big Data,…). Quan trọng hơn, việc đào tạo này cần thực hiện ngay từ giáo dục phổ thông.

COVID-19 khiến doanh nghiệp ý thức hơn về vai trò của chuyển đổi số  - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp tham dự hội thảo quan tâm đến giải pháp số hóa dữ liệu. (Ảnh: Như Huỳnh).

Còn theo ông Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ Phần mềm (Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện nay, dữ liệu phân tán rất nhiều nơi và nằm trong các nền tảng khác nhau trong xã hội. Chính phủ có 2 lựa chọn là tạo ra một nền tảng to hơn chứa tất cả các dữ liệu đó, hoặc tích hợp các dữ liệu lại và tạo ra một dữ liệu mở dùng chung…

Ông Vũ cho rằng, đang có một sự chuyển dịch rất lớn trong khu công nghệ cao. Đó là, có đến 95% doanh nghiệp không gia công phần mềm nữa, mà tập trung ứng dụng công nghệ, số hóa để xử lí các vấn đề của xã hội.

Thực tế, đại dịch Covid-19 xảy ra trong thời gian vừa qua càng khiến các doanh nghiệp ý thức hơn về vai trò của chuyển đổi số bởi hiệu quả mà nó mang lại.

Theo ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Becamex, nhờ chuyển đổi số, thời gian xử lí công việc trung bình ở doanh nghiệp này nhanh hơn 600-700% so với trước đó.

Không chỉ Becamex mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đã nhìn thấy hiệu quả của việc số hóa dữ liệu. Ông Bùi Ngọc Bình, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI chi nhánh TP HCM, doanh nghiệp cung cấp giải pháp số hoá, chuyển đổi số tại Việt Nam, cho hay, năm 2020, nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp tăng đột biến. 

“Một trong những yếu tố khiến nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin tăng đột biến trong năm 2020 là do đại dịch Covid-19. Đối với công ty chúng tôi, số lượng khách hàng tăng đột biến so với năm trước khoảng 300%”, ông Bình cho biết.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.