Những kỹ năng ‘nằm lòng’ phòng tránh tội phạm bắt cóc trẻ em

“Đối với những người đã từng quen biết với gia đình nhưng lâu rồi không có liên lạc, qua lại gì thì các em tuyệt đối không được nghe theo lời dụ dỗ của họ đi chỗ nọ chỗ kia. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy các em sẽ rất có thể trở thành nạn nhân của tội phạm bắt cóc trẻ em”, Trung tá Hiếu nhận định.
 

Chiều ngày 18/11, Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an đã có buổi chia sẻ với các học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) về chủ đề: “Các kỹ năng phòng ngừa tội phạm chiếm đoạt bắt cóc trẻ em”.

nhung ky nang nam long phong tranh toi pham bat coc tre em
Các em học sinh hào hứng đặt câu hỏi với vị chuyên gia Tội phạm học (Ảnh: Đình Tuệ).

Cảnh giác với cả “người đã từng quen”

Đây là một trong số các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng sống dành cho các em học sinh của trường. Tại buổi nói chuyện, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nhận biết các dấu hiệu của loại tội phạm bắt cóc trẻ em, nhất là đối với các em học sinh.

Mở đầu chương trình, Trung tá Hiếu đặt câu hỏi các em học sinh sẽ làm gì khi bị lạc bố mẹ trên bãi biển hoặc công viên đông người? Trả lời câu hỏi của Trung tá Hiếu, có em nói sẽ chủ động tìm tới những đồn công an gần nhất, em khác thì chỉ gọi to và nhờ người lớn trợ giúp…

nhung ky nang nam long phong tranh toi pham bat coc tre em
Trung tá, Th.s Đào Trung Hiếu tại buổi chia sẻ chiều 18/11 (Ảnh: Đình Tuệ).

Theo vị chuyên gia này, các em học sinh cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để chủ động xử lý các tình huống như khi bị lạc, lọt vào tầm ngắm hoặc trong vòng khống chế của các đối tượng bắt cóc trẻ em.

Trung tá Hiếu cho biết, các đối tượng tội phạm bắt cóc trẻ em có thể là người đã từng quen biết với nạn nhân.

“Trong nhiều vụ án bắt cóc trẻ em, có cả đối tượng đã từng có quan hệ quen biết, thậm chí họ hàng xa với nạn nhân để dễ bề ra tay. Bởi khi đó, các em sẽ có niềm tin rằng người này đã từng là người quen của gia đình. Nhất là nếu được mua chuộc, dụ dỗ bằng đồ ăn, uống hoặc đi chơi chỗ nọ, chỗ kia thì các em rất dễ trở thành ‘con mồi’ của tội phạm bắt cóc trẻ em”, Trung tá Hiếu nói.

Chuyên gia Đào Trung Hiếu cảnh báo, đối với những người đã từng quen biết với gia đình nhưng một thời gian dài trở lại đây không qua lại, liên hệ gì thì các em học sinh tuyệt đối nên giữ khoảng cách và đề phòng với những người này.

Các kỹ năng xử lý khi bị khống chế

Trung tá Hiếu dặn dò: “Các em học sinh tuyệt đối không được ăn, uống những đồ vật mà người lạ đưa cho. Bởi rất có thể, trong đồ ăn thức uống đó sẽ có thuốc mê để các đối tượng tội phạm dễ bề khống chế nạn nhân nhằm mục đích xấu. Đối với trẻ em trai thì có thể bị đưa vào các khu vực hầm mỏ để bắt ép lao động cưỡng bức. Trẻ em gái có thể bị bán qua biên giới để làm nghề mại dâm hoặc buôn bán nội tạng”.

nhung ky nang nam long phong tranh toi pham bat coc tre em
Các em học sinh tập trung nghe câu hỏi của vị chuyên gia (Ảnh: Đình Tuệ).

Tuy nhiên, thực tế sẽ diễn ra rất nhiều tình huống phức tạp khác nhau. Điều này đòi hỏi các em học sinh cũng cần phải bình tĩnh, suy xét chọn cách xử trí thông minh nhất để thoát thân.

Các em không nên tự đi lại trên đường phố hoặc ở nhà một mình. Không được cầm, nắm, ăn những gì người lạ đưa cho. Nếu người lạ hỏi và tiếp cận, chỉ trả lời lịch sự “Cháu không biết” rồi tránh đi nơi khác. Các em nên từ chối khi có người lạ cố tình đưa mình đi đâu đó.

“Trong trường hợp không may bị kẻ lạ mặt khống chế, nếu ở khu vực đông dân cư thì các em học sinh cần hô lớn: ‘Bắt cóc trẻ em, bắt cóc trẻ em’ để thu hút sự chú ý của người khác. Nếu là trong phố thì tốt nhất nên tìm cách chạy nhanh tới các đồn, bốt CSGT hoặc bảo vệ của các cửa hàng ven đường để cầu cứu.

nhung ky nang nam long phong tranh toi pham bat coc tre em
Tại buổi chia sẻ, Trung tá Đào Trung Hiếu cũng đưa ra những tình huống giả định khi bị kẻ bắt cóc khống chế để các em học sinh dễ hình dung (Ảnh: Đình Tuệ).

Nhưng, nếu là chỗ vắng người qua lại thì các em nên giả vờ nghe theo chúng. Chờ cơ hội bất ngờ đập vào hạ bộ, đá vào ống chân của kẻ bắt cóc rồi thoát thân”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Cũng theo lời Trung tá Đào Trung Hiếu, nhằm giảm thiểu nguy cơ các em học sinh trở thành nạn nhân của tội phạm bắt cóc trẻ em, các bậc cha mẹ tuyệt đối không để cho quá nhiều người đón con em mình. Nếu bận quá không đón được phải gọi điện trước cho giáo viên và dặn con không được về cùng với người lạ.

“Cả cha mẹ lẫn các em học sinh cũng nên rất chú ý đến việc đưa các thông tin về gia đình, địa chỉ nhà, trường học của con cái mình lên mạng xã hội. Đặc biệt, tuyệt đối không nên đưa các hình ảnh về tài sản có giá trị trong nhà đăng lên mạng. Điều này sẽ vô tình làm kích thích lòng tham của kẻ gian. Từ đó chúng sẽ tìm cách chiếm đoạt và có thể tiến hành bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc”, Trung tá Hiếu nói.

Ngoài ra, mỗi tháng bố mẹ nên thử nghiệm các tình huống bị bắt cóc để các em tập xử trí. Không nên để các em tiếp xúc quá gần với những người không quen biết. Phụ huynh phải giúp con em mình nhớ được số điện thoại của bố mẹ để liên lạc khẩn cấp khi cần.

Chia sẻ với phóng viên, cô giáo Văn Quỳnh Giao – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Thật sự tôi thấy các buổi chia sẻ như lần này là vô cùng tuyệt vời, cần thiết với cả phụ huynh và các em học sinh. Ở lứa tuổi các em có thể gặp rất nhiều nguy cơ mất an toàn khi ra ngoài xã hội.

nhung ky nang nam long phong tranh toi pham bat coc tre em
Cô giáo Văn Quỳnh Giao – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Ảnh: Đình Tuệ).

Vì vậy, được sự quan tâm và trợ giúp của Trung tá, Th.s Đào Trung Hiếu đã giúp cho nhà trường thực hiện tốt được kế hoạch phổ biến kỹ năng sống rất quan trọng khi gặp các tình huống nguy hiểm, cụ thể là khi đối diện với tội phạm ‘Bắt cóc trẻ em’.

Chúng tôi hy vọng rằng, những mô hình giáo dục kỹ năng như thế này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều trường học và cả các khu dân cư trên cả nước. Điều này giúp các em tự trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi những cạm bẫy ngoài xã hội.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.