Theo công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, thị phần smartphone của Samsung ở Trung Quốc giảm mạnh trong những năm gần đây, rơi về mức 0,7% vào quí III/2018. (Ảnh: Chosun Ilbo)
Hôm 3/10, hãng điện tử Samsung thông báo đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của hãng này tại Trung Quốc.
Thông báo cho biết: “Như là một phần của nỗ lực nâng cao hiệu quả ở các cơ sở sản xuất, Samsung đi đến quyết định khó khăn là dừng hoạt động nhà máy Samsung Huệ Châu”.
Thông báo không nói rõ thời điểm đóng cửa cụ thể cũng như có bao nhiêu công nhân bị ảnh hưởng.
Nhà máy Samsung Huệ Châu tại thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, được xây dựng vào năm 1992. Báo chí Hàn Quốc cho biết vào năm 2017, nhà máy này sử dụng 6.000 công nhân và sản xuất 63 triệu smartphone. Cuối năm ngoái, Samsung cũng đã đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Như vậy, Samsung chính thức “dừng cuộc chơi” tại thị trường smartphone Trung Quốc, ít nhất là về khía cạnh sản xuất.
Vào thời kì huy hoàng, nhà máy Samsung Huệ Châu sản xuất 20% smartphone được tiêu thụ tại Trung Quốc mỗi năm. Vào đầu năm nay, xuất hiện nhiều thông tin đồn đoán nhà máy này sắp đóng cửa.
Hôm 3/10, trang tin Zhiwei Tech (Trung Quốc) đăng một đoạn video trên mạng xã hội Weibo cho thấy các công nhân kí nhận smartphone được tặng miễn phí tại nhà máy Samsung Huệ Châu. Bản tin đăng kèm video nói rằng đó món quà chia tay dành cho các công nhân có thời gian gắn bó với công ty từ 10 năm trở lên.
Giới phân tích cho rằng việc dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất smartphone tại Trung Quốc là động thái tất yếu vì nhiều lí do. Trước hết, doanh số smartphone của Samsung tại thị trường đông dân nhất thế giới liên tục giảm trong những năm qua.
Flora Tang, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, cho biết vào năm 2013, Samsung nằm trong danh sách 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc với thị phần khoảng 20%. Song thị phần của Samsung giảm nhanh từ cuối năm 2016 khi nhu cầu của khách hàng Trung Quốc giảm mạnh do cuộc khủng hoảng từ sự cố cháy nổ của mẫu smartphone Galaxy Note 7.
Các phản ứng chậm trễ của Samsung đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc. Đến quí 1 năm nay, thị phần của Samsung tại nước này chỉ còn vỏn vẹn 1%, theo Counterpoint Research.
Còn theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, trong quí III/2018, Samsung chỉ bán được 700.000 smartphone ở Trung Quốc, tức chỉ chiếm 0,7% thị phần.
Nhà máy Samsung Huệ Châu ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: gsmarena).
Một nguyên nhân lớn khác khiến thị phần của Samsung teo tóp là sự trỗi dậy của đối thủ bản địa. Trong vài năm qua, các thương hiệu smartphone Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước.
Flora Tang cho biết các đối thủ này đã “giành thị phần từ Samsung bằng danh mục sản phẩm đa dạng, giá rẻ và hệ sinh thái được địa phương hóa cũng như các kênh bán hàng và phân phối có độ bao phủ lớn”.
“Tại Trung Quốc, người tiêu dùng thích mua các smartphone giá rẻ từ các thương hiệu trong nước và mua smartphone cao cấp từ Apple hoặc Huawei. Vì vậy, Samsung ít có hi vọng khôi phục thị phần ở Trung Quốc”, nhà phân tích Park Sung-soon ở Công ty Cape Investment & Securities nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường smartphone Trung Quốc rơi vào trạng tháng bão hòa trong những năm gần đây, đợt suy giảm đầu tiên vào năm 2017 và tiếp tục suy giảm mức mạnh nhất trong nửa đầu năm nay. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh số smartphone tại Trung Quốc sa sút.
Trong khi đó, chi phí nhân công đang tăng ở Trung Quốc. “Samsung không cần ở lại Trung Quốc vì chi phí nhân công cao và thị phần gần như không tồn tại. Họ có thể sản xuất smartphone hiệu quả hơn ở Ấn Độ và Việt Nam”, Greg Roh, nhà phân tích ở Công ty chứng khoán Hyundai Motor Securities, nhận định.
Samsung đang mở rộng sản xuất ở các thị trường mới nổi, những nơi hãng này có thể hưởng lợi nhờ chi phí thấp hơn bao gồm chi phí nhân công rẻ hơn. Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, Samsung đang sản xuất 60% sản lượng smartphone tại Việt Nam.
Samsung cũng đang nỗ lực củng cố thị phần thị trường smartphone tại Ấn Độ. Trong nhiều năm trước đây, Samsung nắm giữ thị phần smartphone dẫn đầu tại Ấn Độ cho đến khi bị Xiaomi vượt mặt vào cuối năm 2017. Giờ đây, hai hãng này đang so kè quyết liệt tại thị trường đông dân thứ hai thế giới với mức thị phần 25% dành cho Samsung, kém một chút so với mức thị phần 28% của Xiaomi trong quí II/2019.
Năm ngoái, Samsung đã khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại thành phố Noida, gần thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Samsung cho biết nhà máy mới sẽ giúp công suất điện thoại di động của hãng này ở Ấn Độ tăng gấp đôi.
Trong thông báo hôm 3/10, Samsung cho biết các thiết bị sản xuất ở nhà máy Samsung Huệ Châu sẽ được chuyển đến các địa điểm sản xuất khác trên thế giới tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.
Nhà phân tích Flora Tang nhận định đóng cửa nhà máy Samsung Huệ Châu là phương án tốt để hãng này giảm thiểu thua lỗ và củng cố khả năng sinh lời. Bà nói: “Mảng kinh doanh smartphone của Samsung ở Đông Nam Á và Ấn Độ tích cực hơn nhiều so với ở Trung Quốc”.