Các võ sư kung fu bậc thầy ở Trung Quốc |
Năm 2008, Đức Pháp vương khuyến khích các nữ tu học cách tự vệ. Ảnh: Getty |
Mới gần 5h sáng, nhưng tại Tự viện Druk Gawa Khilwa, ngoại ô Kathmandu, Nepal, các ni cô đã tập trung để bắt đầu luyện tập kung fu.
Một chân đổ về phía trước, chân còn lại xoạc dài về phía sau, họ lấy đà rồi tung các đòn cước mạnh mẽ và dứt khoát. Những tiếng hô đầy năng lượng lại vang lên sau mỗi bước di chuyển, kèm theo tiếng động khi bàn chân nện xuống mặt đất. Trong bộ trang phục màu nâu truyền thống được biến tấu theo đồng phục võ, khuôn mặt tươi cười của các nữ tu ẩn giấu nguồn năng lượng và sức mạnh đáng kinh ngạc.
Theo BBC, họ là những nữ tu luyện kung fu, những người phụ nữ duy nhất của Nepal tập luyện môn võ nổi tiếng này.
Trong hệ thống tu viện Phật giáo, các nhà sư thường đảm nhiệm vị trí quan trọng, trong khi ni cô chỉ làm việc vặt. Nhưng từ năm 2008, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã thay đổi vai trò lưỡng giới trong thế giới tu đạo, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Kể từ đó, các nữ tu được khuyến khích học cách tự vệ và võ thuật được giới thiệu vào ni viện.
Mỗi ngày có khoảng 350 nữ tu trong độ tuổi 10-15 luyện kung fu với võ sư đến từ Việt Nam. Ngoài việc tập luyện các thế, họ còn học cách sử dụng vũ khí truyền thống như kiếm, đao nhỏ, thương và côn nhị khúc. Những người có sức mạnh thể chất và tinh thần đặc biệt còn được dạy kỹ thuật đập gạch.
Môn võ này giúp họ cảm thấy an toàn, tự tin và mạnh mẽ hơn. Ảnh: Getty |
Các nữ tu nói rằng kung fu giúp họ cảm thấy an toàn, tự tin, mạnh mẽ và dẻo dai hơn. Nhưng một tác dụng lớn khác là sự tập trung, giúp họ giữ tâm trí vững vàng và thiền định trong thời gian lâu hơn.
"Tôi cần nhận thức được các động tác của mình là đúng hay sai và sửa chữa ngay lập tức nếu cần. Tôi phải tập trung nhớ trình tự các động tác đã học. Nếu tâm không tịnh, động tác sẽ không đúng hoặc gậy sẽ rơi. Nó giống như thiền định vậy", Jigme Konchok, ni cô đã tập luyện kung fu hơn 5 năm, cho biết.
Đức Pháp vương còn khuyến khích các nữ tu học những kỹ năng mà nam giới thường làm như sửa đường ống nước, lắp điện, máy tính, đi xe đạp và học tiếng Anh.
Dưới sự dẫn dắt của Pháp vương, họ được dạy các kỹ năng công việc vốn chỉ dành cho nhà sư trước đây. Họ được phép điều hành một nhà khách và một tiệm cà phê của ni viện.
Thấm nhuần tư tưởng mới, họ bắt đầu áp dụng các kỹ năng được rèn luyện trong việc giúp đỡ và phát triển cộng đồng.
Bằng cách học các pháp môn vốn chỉ dành cho nam giới, các nữ tu mong muốn thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ. |
Sau trận động đất mạnh làm rung chuyển Nepal hồi tháng 4/2015, các ni cô đã từ chối di chuyển đến nơi an toàn hơn. Thay vào đó, họ đã đến các ngôi làng địa phương để giúp người dân dọn dẹp đống đổ nát và thông đường. Họ phân phát đồ ăn cho những người sống sót và giúp dân dựng lều ở tạm.
Đầu năm nay, các nữ tu này còn đạp xe 2.200 km từ Kathmandu đến Delhi, Ấn Độ, để truyền bá thông điệp về môi trường và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay vì ôtô. Khi đến những khu vực bạo lực, họ truyền đi thông điệp về lòng khoan dung. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ.
"Kung fu giúp chúng tôi phát triển sự tự tin ở mức độ nhất định để chăm sóc bản thân và những người khác trong lúc cần thiết", Konchok nói.