Nợ công tiếp tục chịu áp lực khi tiến gần tới mức trần cho phép

 Dự đoán áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 có thể lên đến 385.375 tỉ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách

Thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao hơn so với dự toán

Theo báo cáo chuyên đề về nợ công vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, vào cuối tháng 7.2016, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỉ đồng, tổng chi ngân sách là 1.339.489 tỉ đồng, và bội chi là 249.362 tỉ đồng.

So với dự toán, mức bội chi này cao hơn 11%. Đáng chú ý, số liệu quyết toán năm 2013 cho thấy mức thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn nhiều so với dự toán, lên tới 46%. Gần đây nhất, số liệu cập nhật ngân sách lần hai vào tháng 4.2016 của Bộ Tài chính cũng cho thấy mức thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến cao hơn 13% so với dự toán.

no cong tiep tuc chiu ap luc khi tien gan toi muc tran cho phep
Áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 của Việt Nam có thể lên đến 385.375 tỉ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách. (Ảnh minh họa)

Trong những năm gần đây, tỷ lệ thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao. Cụ thể, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam là 6,6% trong năm 2013; 6,3% năm 2014; 6,1% năm 2015 và ước tính (theo dự toán) 5,5% năm 2016.

Báo cáo của BVSC nhận định rằng, tỷ lệ thâm hụt ngân sách này có thể không phù hợp với thông lệ quốc tế khi nó bao gồm cả khoản chi trả nợ gốc của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi loại trừ khoản chi trả nợ gốc thì mức thâm hụt của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, từ 4,2 đến 5% GDP, cao hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 3%.

Áp lực nợ công ngày càng lớn

Báo cáo này cũng đưa ra dự đoán rằng, áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 của Việt Nam có thể lên đến 385.375 tỉ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách. Theo quyết định số 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ là 452.000 tỉ đồng.

Trong đó, kế hoạch vay để đảo nợ là 95.000 tỉ đồng, kế hoạch bảo lãnh tổng cộng là 85.025 tỉ đồng. Trên thực tế, ngoài phần phát sinh do thâm hụt ngân sách thì áp lực gia tăng nợ công còn có thể đến từ các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của chính phủ, các khoản chính phủ đi vay để cho vay lại, và các khoản bảo lãnh của chính phủ.

Con số dự báo cho năm 2016 cho thấy áp lực ròng gia tăng nợ công đến từ thâm hụt ngân sách là 197,350 tỉ đồng, chiếm 51% tổng áp lực ròng gia tăng nợ công trong năm. Phần còn lại trong áp lực gia tăng nợ công đến từ các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Theo đó, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm là 385.375 tỉ đồng.

Còn trong mối tương quan với tăng trưởng kinh tế, BVSC cho rằng, nợ công có thể đạt mức 64,4% GDP vào cuối năm 2016, áp sát mức trần nợ công Quốc hội cho phép cho đến năm 2020. Theo số liệu cập nhật gần đây của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2015 bằng 62,2% GDP.

So với con số GDP cập nhật của Tổng cục thống kê cho năm 2015, con số nợ công tuyệt đối của Việt Nam vào cuối năm này là 2.607.960 tỉ đồng. Theo tính toán ở trên, giả sử tổng nợ công sẽ tăng thêm 385.375 tỉ đồng thì tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỉ đồng, bằng 64,4% GDP.

Cũng theo BVSC, tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2016 có thể thấp hơn con số dự báo ở trên nếu tăng trưởng được cải thiện, nhưng áp lực gia tăng bội chi ngân sách trên thực tế sẽ là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ trong quản trị nợ công.

Theo thông báo kết quả phiên hợp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 7.2016, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,3% hoặc 6,5% trong năm 2016. Nếu ước tính này là đúng, tỷ lệ nợ công/GDP có thể thấp hơn hoặc bằng 64,1% vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên theo tính quy luật các năm trước, nếu giả định thâm hụt ngân sách trên thực tế cao hơn 10% so với dự toán, tỷ lệ nợ công/GDP có thể tăng lên 64,9% theo kịch bản tăng trưởng cẩn trọng của BVSC; 64,6% và 64,5% theo hai kịch bản của Chính phủ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.