Nở rộ dự án lấn biển

Hàng loạt dự án tên tuổi tại nhiều địa phương đã ngang nhiên lấn biển, phá nát cảnh quan khu vực bờ biển khiến dư luận bức xúc.

Hàng loạt dự án tên tuổi tại nhiều địa phương đã ngang nhiên lấn biển, phá nát cảnh quan khu vực bờ biển khiến dư luận bức xúc.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Xây dựng chủ trì tổ chức kiểm tra, báo cáo về việc Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu lấn biển xây thủy cung thuộc Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu.

Nở rộ dự án lấn biển - Ảnh 1.

Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu ngang nhiên lấn biển.

Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu vừa khởi công nhưng dư luận cho rằng công trình đã phá nát cảnh quan khu vực bờ biển.

Đây là một dự án thành phần trong tổng thể khu Hồ Mây Park do Công ty cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư xây dựng khu du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng.

Dự án rộng 6,7 ha, khi hoàn thành sẽ phục vụ 3.000 - 5.000 người mỗi ngày. Trong đó, ngoài khách sạn 5 sao 22 tầng, có nhà thủy cung, khu thể thao biển - bãi tắm, khu hồ tắm nhân tạo, bãi xe, cây xanh... Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Để xây dựng thủy cung, chủ đầu tư san lấp từ bờ ra biển khoảng 200m với diện tích lấn biển khoảng 3ha.

Nói về Dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, ông Trần Anh Thiện, Hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, dự án này hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, tầm nhìn từ hướng di tích Bạch Dinh ra biển.

Trước đó, năm 2018 UBND tỉnh Khánh Hoà đã chỉ đạo kiểm tra 6 dự án đầu tư xây dựng thuộc khu vực thành phố Nha Trang có hoạt động lấn biển, ảnh hưởng đến Vịnh Nha Trang.

Kết quả, có 3 dự án vi phạm việc san lấp ngoài ranh giới dự án được giao, bao gồm dự án Công viên văn hoá, giải trí, thể thao Nha Trang do Công ty Nha Trang Sao làm chủ đầu tư; Dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa do Công ty Cổ phần Du lịch Champarama làm chủ đầu tư; Dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa do Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa làm chủ đầu tư.

Tháng 1/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra quyết định thu hồi 2 dự án tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), gồm “Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao” và dự án “Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa”. Lý do thu hồi đất là do vi phạm lấn biển.

Tương tự, đầu năm 2019, dư luận tại Đà Nẵng cũng xôn xao trước việc dự án Marina Complex lấp một phần sông Hàn để lấy diện tích triển khai các hạng mục bất động sản và bến du thuyền…

Sau đó, tháng 4/2019, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng thực hiện dự án.

Nở rộ dự án lấn biển - Ảnh 2.

Một dự án lấn biển tại Hạ Long (Quảng Ninh)

Còn tại Quảng Ninh, theo thống kê có tới 43 dự án lấn biển với tổng số diện tích quy hoạch trên 7.600 ha, trong đó diện tích quy hoạch lấn biển khoảng trên 7.300 ha. Tại đảo Tuần Châu, nhà đầu tư “vươn” biển tới vài km, làm hẹp cửa ngõ Vịnh Hạ Long nối với tuyến đường biển ra vùng Vịnh Cát Bà (Hải Phòng) và vùng Quảng Yên của tỉnh.

Điều dễ nhận thấy, sự “vươn biển” này làm ảnh hưởng tới dòng chảy của các con sông từ Cửa Lục đổ ra biển, làm bồi lắng và làm chất lượng nước của Vịnh Hạ Long ngày một xấu đi. Vịnh Hạ Long đã bị UNESCO “nhắc nhở” không ít lần trong việc bảo vệ di sản.

Là doanh nghiệp đã đảm nhận việc tư vấn cho hơn 10 dự án khu đô thị lấn biển dọc theo bờ biển từ Vũng Tàu tới các tỉnh miền Trung, Tiến sĩ Bùi Quốc Nghĩa - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Phát triển Duyên Hải tiết lộ thực tế tư vấn cho nhiều dự án lấn biển trong thời gian qua cho thấy, không ít dự án sai ngay từ đầu.

Dẫn chứng Hội An, TS Nghĩa cho biết, bờ biển Cửa Đại trước kia từng có rừng dương chắn sóng bình yên, sau khi hàng loạt dự án xây dựng, lấn biển có, chắn biển có nên biển đã bị xâm thực nghiêm trọng. Bây giờ, tới Cửa Đại có thể thấy khung cảnh hoang tàn của nhiều khu resort, khách sạn, nhà hàng đã không còn hoạt động vì sóng đánh tới chân. Nhiều công trình đã nghiêng đổ và trở thành những bãi rác khổng lồ trước biển.

Ông Nguyễn Lân - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, tại khoản 1, điều 79, Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo 2016 quy định, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo qui định của Luật này.

Về lâu dài, ông Nguyễn Lân kiến nghị cơ quan chức năng phải có giải pháp cho việc lấn biển bằng cách sớm ban hành quy hoạch vùng bờ, hành lang biển, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ. Xem xét đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của từng hoạt động, công trình lấn biển, huy động sự tham gia góp ý và đánh giá của cộng đồng, các bên liên quan.


chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.