Sự sống và cái chết ở Philippines giữa cuộc chiến chống ma túy | |
'Biệt đội tử thần' trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines |
Harra Kazuo bên đứa con mới lọt lòng. Chồng và bố chồng cô bị bắn chết trước khi đứa trẻ ra đời. Ảnh: Thomas Yau. |
Đã ba tháng trôi qua kể từ ngày ông và bố đứa trẻ bị bắn chết trong một nhà tù, Harra Kazuo vẫn không thể quên đêm kinh hoàng 6/7 khi ba cảnh sát mặc thường phục mang súng xông vào căn lều của họ.
"Ma tuý đâu? Hãy mang ra đây. Anh có muốn chúng tôi giết anh không", cảnh sát hét lên giận giữ. Họ đưa người chồng Jaypee Bertes, 28 tuổi cùng bố anh này, Renato Bertes, 59 tuổi,về đồn cảnh sát và cả hai bị bắn chết ngay ngày hôm sau.
Theo SCMP, đây chỉ là hai trong hơn 3.000 cái chết liên quan đến ma túy ở Philippines, kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nhậm chức tổng thống hồi tháng 6.
Cảnh sát thường lùng bắt và bắn chết các nạn nhân vào ban đêm, trong khi đó các nhóm tự do tự tuyên bố là "thực thi công lý" thường di chuyển bằng xe máy, tiếp cận nạn nhân và bắn chết họ trên phố. Thông thường, họ sẽ để lại dòng chữ "Tôi là người buôn bán ma túy" bên xác nạn nhân, ám chỉ rằng việc làm của họ là hoàn toàn đúng pháp luật.
Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết kể từ khi Duterte đắc cử Tổng thống, gần 1.500 người nghi là tội phạm ma tuý đã bị giết chết trong các hoạt động của cảnh sát, số còn lại do các nhóm tự do thực hiện. Tuy nhiên, không có bằng chứng chứng minh chính phủ liên quan đến nhóm thứ hai.
Harra thú nhận chồng cô là một người buôn ma túy nhỏ lẻ, nhưng bố chồng thì không. Jaypee từng bị bắt vì tội đánh bạc trái phép và sở hữu ma túy nhưng đều được thả nhờ hối lộ cho cảnh sát để giảm tội. Jaypee đã định đi đầu thú vào ngày bị giết.
Hai con gái của cô, hai tuổi và 6 tuổi, cũng ở nhà khi cảnh sát xông vào. Họ lột trần hai đứa trẻ để kiểm tra liệu có ma túy giấu trong người hay không. Những viên cảnh sát hành hung Jaypee, trong khi chĩa súng vào người mẹ đang mang thai và đe dọa giết chết Harra khi cô cầu xin họ dừng tay. Bố chồng cô cũng bị bắt vì tội gây rối khi yêu cầu cảnh sát cung cấp giấy phép làm việc. Harra cho biết họ không tìm thấy mẩu ma túy nào trong nhà.
Sáng hôm sau, Harra được phép gặp lại người thân trong 20 phút.
“Bố chồng tôi thâm tím mặt mày, còn chồng tôi không thể đứng vững và kể rằng anh ấy đã bị đánh”, Harra bàng hoàng nhớ lại.
Cảnh sát thông báo Renato và Jaypee đã bị bắn vài giờ sau đó khi cố giằng súng từ một viên cảnh sát.
Cảnh sát bảo vệ hiện trường một vụ vụ án ở Philippines. Ảnh: Thomas Yau |
“Nếu không chống đối, họ có lẽ vẫn còn sống”, Ronald Dela Rosa, chỉ huy trưởng cảnh sát Philippine giải thích cho cái chết của 756 nạn nhân liên quan đến ma túy trong phiên điều trần tại thượng viện vào tháng 8.
Trong phiên điều trần ủy ban Thượng viện hồi tháng 9, Edgar Matobato, kẻ tự nhận một sát thủ, đã nói Tổng thống Duterte từng chỉ huy một biệt đội tử thần chuyên giết người, từ khi ông còn là thị trưởng thành phố Davao. Matobato mô tả ông Duterte chính là người đứng sau biệt đội tử thần đã sát hại hơn 1.00 người. Tuy nhiên, Tổng thống Phillippines phủ nhận những cáo buộc trên.
Người phát ngôn của Ủy ban Jacqueline Ann de Guia cho rằng chính những chính sách quyết liệt của Tổng thống đã tạo điều kiện cho các nhóm tự do giết người vô tội vạ.
Trong khi đó, những giải thích nói trên không đủ để thuyết phục uỷ ban nhân quyền Philippines, tổ chức hỗ trợ gia đình những người thiệt mạng.
"Chúng tôi đã xem xét một số trường hợp và phát hiện nhiều nạn nhân bị giết không hề chống cự', Diana de Leon, một điều tra viên của uỷ ban, cho biết. Cô cũng nói có bằng chứng cho thấy cảnh sát cũng tham gia buôn bán ma tuý.
Nhìn lại những gì đã xảy ra, Harra chỉ có một ước nguyện: "Tôi phải đấu tranh giành lại công lý cho chồng. Tôi muốn con tôi sau này tự hào về mẹ chúng".