Việc UBND quận 1, TP.HCM ra hai quyết định thành lập tổ kiểm tra liên ngành (KTLN) về trật tự đô thị (TTĐT), trật tự an toàn giao thông và tổ kiểm tra công vụ (KTCV) đã gây dư luận trái chiều mấy ngày qua.
Một luồng cho rằng các quyết định này “trói chân” Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải, một luồng cho rằng việc xử lý TTĐT là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị quận 1, trong đó có vai trò của 10 phường. Ngày 17-10, đại diện lãnh đạo Quận ủy quận 1 đã nêu ý kiến chính thức về vấn đề này.
Quận không làm thay phường
. Phóng viên: Trước dư luận cho rằng việc thành lập tổ KTLN là để thay thế đoàn công tác bấy lâu nay do ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu, Quận ủy có ý kiến gì?
+ Đại diện lãnh đạo Quận ủy quận 1: Việc thành lập hai tổ KTLN và KTCV đối với công tác quản lý TTĐT trên địa bàn quận 1 là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND quận. UBND quận 1 đã nói rõ với việc thành lập tổ KTLN là để khẳng định vai trò, trách nhiệm của UBND 10 phường trong công tác chấn chỉnh TTĐT, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Tránh tình trạng cấp trên làm thay nhiệm vụ của cấp dưới, không phát huy được vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.
Việc thành lập hai tổ này không phải xuất phát từ ý chí chủ quan của quận 1 mà theo tinh thần của Chỉ thị 11 ngày 10-3-2017 về tăng cường công tác quản lý TTĐT trên địa bàn TP.HCM của Ban Thường vụ Thành ủy.
Chỉ thị 11 đặt ra vấn đề giao đảng ủy và UBND các quận/huyện thành lập các đoàn KTLN. Các đoàn này sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên TTĐT, chỉ hỗ trợ UBND các phường trong kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm.
Tóm lại, khi tổ chức hai tổ công tác này không phải là trực tiếp đi đến các phường, thấy chỗ nào vi phạm thì trực tiếp xử phạt. Làm như vậy không đúng tinh thần Chỉ thị 11. Trong quá trình giám sát, nếu thấy công tác quản lý của phường bị buông lỏng, cán bộ có hành vi bao che thì tổ KTCV sẽ đề xuất chủ tịch UBND quận xử lý.
Chỉ thị 11 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp. Nếu để xảy ra tình trạng vi phạm TTĐT trên địa bàn quận thì người chịu trách nhiệm cao nhất là chủ tịch UBND quận.
Ông Đoàn Ngọc Hải cùng tổ công tác trật tự đô thị quận 1, TP.HCM trong một cuộc xuống đường giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Ảnh: LÊ THOA |
Ông Hải có thể tiếp tục xuống đường
. Từ khi UBND quận 1 có quyết định thành lập tổ KTLN, dư luận thắc mắc rằng Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải có còn được xuống đường xử lý nữa hay không?
+ Việc này là tùy thuộc vào kiến nghị, đề xuất của phường. Đối với các khu vực trọng điểm, các vụ việc cần có sự hỗ trợ của tổ KTLN thì tổ vẫn đi xử lý bình thường. Còn việc ông Hải có còn được dẫn đầu đoàn kiểm tra đó hay không thì sẽ do chủ tịch UBND quận phân công.
. Nhưng chính ông Hải cũng cho rằng văn bản này chẳng khác nào “trói chân” ông. Ý kiến của Quận ủy như thế nào?
+ Đây là nhận định không rõ ràng. Khi quận ra các quyết định này là nhằm mục đích nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu là chủ tịch quận. Nếu có sơ suất trong công tác lập lại TTĐT thì cá nhân chủ tịch quận phải là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Ông Hải làm có hiệu quả nhưng…
. Có ý kiến cho rằng quy định tổ KTLN muốn đi dẹp vỉa hè phải từ đề xuất của UBND 10 phường và được sự đồng ý của chủ tịch quận, nên khi đoàn xuống đường thì chỗ vi phạm đó sẽ “biến mất”?
+ Khi nghe thông tin có đoàn liên ngành đi kiểm tra thì người vi phạm TTĐT có thể sẽ dọn hết, đó là hiệu ứng của đoàn. Nhưng phường sẽ phải theo dõi, giám sát thường xuyên những khu vực đó. Quận sẽ xuống kiểm tra phường làm có đạt hiệu quả hay không, chứ không phải khi nào có đoàn của quận xuống thì phường mới dẹp. Phường làm vậy là không đúng.
. Trong thông cáo báo chí sau đó, UBND quận 1 thông tin việc xử lý phải xác định công tác vận động, nhắc nhở là chính. Nhưng lâu nay cách xử lý của ông Hải đều là xử nóng, vậy thì có đúng với chủ trương của quận không?
+ Dĩ nhiên đoàn công tác trước đây của ông Đoàn Ngọc Hải đi làm đã đạt được hiệu quả nhưng xét về sức và tính lâu dài thì không thể để đoàn đó ngày nào cũng đi mà phải có cả hệ thống chính trị vào cuộc. Như vậy mới phát huy hệ thống chính trị 10 phường, của khu phố, tổ dân phố. Chuyển đoàn công tác của ông Đoàn Ngọc Hải sang thành tổ KTLN và tổ KTCV để giám sát việc thực hiện TTĐT là vậy.
. Xin cám ơn ông.
Ông Hải tiếp thu . Những phát ngôn, cách xử lý vừa qua của ông Đoàn Ngọc Hải còn gây nhiều thông tin trái chiều. Quận ủy, UBND quận có những nhắc nhở ông Hải chưa? + Có nhắc nhở. Trước những thông tin như thế, Quận ủy có những lưu ý ông Hải phải thực hiện bám sát Chỉ thị 11. Những lúc ra đường đôi khi có bức xúc nhưng phải luôn giữ được bình tĩnh, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, để mọi người thấy đang thực hiện nhiệm vụ chung chứ không phải vì mục đích cá nhân. Và cá nhân ông Hải cũng có tiếp thu. Chỉ thị 11 ngày 10-3-2017 về tăng cường công tác quản lý TTĐT trên địa bàn TP.HCM của Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu việc lập lại TTĐT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý đô thị, đòi hỏi các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không phải của cá nhân ai, hay chỉ của UBND, công an hay đội TTĐT. Với tinh thần phải thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục vận động rồi mới tính tới việc kiểm tra, xử lý vi phạm để tạo sự đồng thuận của người dân. |
Vài ngày ông Đoàn Ngọc Hải không được tự ý 'xuống đường', hàng loạt xe sang vô tư chiếm vỉa hè
Vài ngày sau khi ông Đoàn Ngọc Hải không được tự quyết định "xuống đường", hàng loạt "xe sang" vô tư đỗ trên nhiều đoạn ... |