Nữ ngư phủ sống sót diệu kỳ

Rạng sáng, đang đánh cá gần trong bờ, bất ngờ chiếc ghe của chị Phạm Thị Huệ (36 tuổi, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) bị sóng lớn đánh lật, trôi dạt ra ngoài xa tới 6 km. Suốt 4 giờ bơi ngửa để tìm kiếm cơ hội sống sót, chị Huệ rơi nước mắt khi nghĩ đến hai đứa con thơ dại ở nhà…

Rạng sáng 10/3, tàu cá của ông Trương Sanh (44 tuổi, trú tại xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức), đang từ Cửa Lở ra biển đánh bắt thì nghe có tiếng động lạ, rồi lập tức bị át đi bởi âm thanh ồn ào của sóng biển và tiếng máy nổ. Chần chừ một lúc, nhóm ngư dân tiếp tục nghe tiếng kêu nho nhỏ. Khi rọi đèn xuống, mọi người thấy một phụ nữ với gương mặt tái nhợt, sợ hãi, đang trôi nổi.

Ông Sanh liền nhảy xuống vớt nạn nhân lên thuyền. Người phụ nữ trẻ ói mửa, hoảng loạn, không nói được. Một lúc sau, ông Sanh gặng hỏi còn ai dưới nước không để ông tìm vớt, chị mới đủ sức trả lời: “Chỉ có mình cháu thôi”. Ông hỏi tiếp: “Chứ cháu trôi ra đây bao lâu rồi?”. Người phụ nữ trả lời “Dạ gần 4 tiếng rồi chú”. Ông Sanh kể lại: “Nghe tới đó tôi dựng cả tóc gáy. Bởi 4 tiếng đồng hồ với một người phụ nữ gầy gò ốm yếu như vậy, chống chọi được với biển thật là kỳ diệu”.

Nữ ngư phủ sống sót diệu kỳ - Ảnh 1.

Ngư dân Trương Sanh - người cứu sống chị Huệ.

Người phụ nữ ấy là Phạm Thị Huệ, vợ của một ngư dân đang đi làm biển thuê ở xa bờ. Vì cuộc sống khó khăn, chị Huệ một thân một mình giong thuyền đánh bắt ghẹ, tôm, cua mỗi đêm để có thêm thu thập nuôi con.

Nằm ở bệnh viện sau ba ngày được đưa về bờ, chị Huệ nói mình như vừa được tái sinh một kiếp khác.

Người đàn bà chài lưới xuyên đêm

Từ khi còn là con gái, chị Huệ đã cùng cha làm lụng tất bật ngày đêm phụ giúp nuôi các em ăn học. Theo cha bám biển, chị rất sành bơi. Năm 2013, chị Huệ về nhà chồng ở xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, TP Quảng Ngãi. Nhưng ở đó làm ăn không thuận tiện cho lắm. Sau một thời gian, cả hai quyết định về nhà vợ ở Nghĩa An để thuận việc chồng đi bạn thuyền làm thuê. Công việc không có tiền mấy, lúc trúng được vài triệu lúc không thì về trắng tay. Chị Huệ phải chạy vay tiền mua rập (lưới) về làm lụng kiếm thêm tiền mua sữa cho con. Con chị đứa đầu năm nay 5 tuổi, đứa thứ hai mới lên 2.

Nhớ lại buổi sáng hôm ấy, ông Nguyễn Năng (57 tuổi, trú ở thôn Tân Thành, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi), cha chị Huệ kể: Lúc đó tôi đang vá rập dưới gành. Thường ngày con gái khoảng 6 giờ sáng đã về rồi, sao hôm nay tới 7 giờ hơn rồi mà cũng chưa thấy con đâu. Tôi thấy nóng lòng cứ ngóng ra biển trông cũng chẳng thấy, cứ nghĩ là con mình chạy lạc đâu rồi. Bỗng có tin từ Đồn Biên phòng báo, nói con bị lật thuyền trên biển. Chân tay bủn rủn rụng rời, tưởng con chết rồi tôi cố gắng chèo thuyền về lại bờ thì thấy con vẫn còn sống. Vui mà nước mắt cứ chảy...

“Bây giờ đêm nằm xuống nghĩ về cảnh con gái bị lật thuyền một mình vật lộn trên biển cả mấy tiếng đồng hồ mà tôi vẫn thấy lạnh hết cả người. Mới sáng nay ra thắp nén nhang ngoài biển chỉ tay ra biển nói với vợ “Biển mênh mông như vậy, sóng thì lớn sương mù. Một mình nó trong đêm vậy, nghĩ nước mắt rơi. Chẳng thà 2 vợ chồng nó đi, chứ đây có mình nó thôi” - ông Năng nói.

Bà Nguyễn Thị Tám, mẹ chị Huệ, lặng người kể lại: “Lúc đó tôi đang cho 2 đứa nhỏ ăn thì mới nghe điện thoại từ số máy lạ, bắt máy có người nói con bà chết ở ngoài biển có người vớt đem vào. Quíu cả tay chân bỏ hết chạy ra thì thấy người ta dìu con về. Con Huệ cứ ôm lấy tôi mà khóc. Nó nói lúc đó con cứ nghĩ là con chết rồi mẹ ơi, bỏ 2 đứa nhỏ rồi…”.

Vật lộn với tử thần

Hôm ấy như thường ngày, 3 giờ chiều chị Huệ nổ máy chiếc thuyền nhỏ đi thả rập, đến 4 giờ quay lại bờ đón con, cho con ăn. Rồi đến 3 giờ sáng, chị lại một mình lên thuyền ra gom lại rập đã thả. Nhưng sáng hôm ấy (10/3/2019), đã 4 giờ sáng sương mù vẫn dày đặc, tối trời, sóng lớn đánh khiến chiếc thuyền nhỏ chao đảo, nước vào đầy. Con thuyền cứ chìm dần. Nữ ngư phủ lúc đó chỉ kịp cởi bỏ chiếc áo mưa trên người và đôi ủng dưới chân rồi nhảy xuống biển. Cũng là lúc chiếc thuyền dần dần chìm trong màn sương tối mịt. Huệ không còn biết mình đang ở đâu, phía nào là bờ….

“Lúc đầu khi vừa nhảy ra khỏi ghe chân chạm được đáy, nước còn ấm nên biết mình đang còn ở gần bờ. Nhưng rồi nhiều đợt sóng bổ mạnh, dần dần nước càng sâu, càng lạnh, mới biết mình đang trôi ra biển rồi”, chị Phạm Thị Huệ, nhớ lại. Cũng may từ nhỏ đã theo cha lênh đênh trên biển nên chị Huệ tìm cách thả lỏng, bơi ngửa để giữ sức đợi trời sáng dần. Nhưng sóng ngày một dữ dội, mạnh đến nỗi chị tưởng chịu không nổi, thả ra không bơi nữa chết cho rồi. Nhưng chị nghĩ về các con, sợ mình không còn sống nữa con mồ côi mẹ tội lắm.

Nữ ngư phủ sống sót diệu kỳ - Ảnh 2.

Nữ ngư phủ Phạm Thị Huệ khi đang điều trị tại BV. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

 Sau hơn một giờ bơi ngửa giữa biển nước, chị may mắn vớ được một cái phao của ngư dân thả lưới. Nhưng phao nhỏ lắm, chị không dám đè lên mạnh sợ nó chìm, chỉ bám hờ hờ. Cứ vậy, mỗi đợt sóng qua lại nắm cái phao nhô đầu lên chút xíu để thở và ngó quanh xem có chiếc ghe nào đi qua đây không. Nhưng nước càng ngày càng lạnh. Biết chắc nếu thêm một giờ nữa không có người cứu sẽ không còn sức để chống chọi với sóng gió. Lúc đó cả người, tay, chân chị đã tê buốt hết.

Rồi chị Huệ thấy đằng xa có một chiếc ghe tiến lại. Chị cố gắng nhoi đầu lên kêu cứu. Nhưng sương mờ trời tối, tiếng máy nổ trên ghe lớn át đi khiến người ta không nghe được.

“Lúc trời mờ sáng, tui thấy có thêm một chiếc ghe nữa đang chạy lại gần. Chèn cái phao nhỏ dưới ngực, tui gắng gượng nhô đầu đưa tay lên vẫy và kêu cứu…”- nữ ngư phủ nghẹn ngào nhớ lại. Đó là lúc chị được cứu sống.

Câu chuyện thoát chết diệu kỳ được nữ ngư phủ Phạm Thị Huệ kể tôi nghe khi chị đang còn nằm tại bệnh viện. Ở nhà, hai đứa con Nguyễn Hoàng An, Nguyễn Hoàng Nghĩa lúc tôi tới thăm vẫn vô tư chơi đùa bên bà ngoại. Chúng còn quá nhỏ để biết được một phép màu vừa đến với người mẹ của mình.

Ông Trần Trãi, một lão ngư trong làng, chép miệng: "Hoàn cảnh cả 2 bên gia đình của cháu Huệ vô cùng khó khăn, chồng mưu sinh ngoài biển khơi cả tháng trời mới về đất liền một lần, 2 đứa con còn quá nhỏ. Cháu Huệ sống và đối xử với bà con hàng xóm rất thân thiện, tính tình thật thà, chất phác, rất siêng năng, ai có việc gì cũng sẵn sàng giúp đỡ, mặc dù công việc tất bật cả ngày. Cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh nuôi hai đứa nhỏ nên phải làm lụng vất vả, bà con hàng xóm ai nấy đều thương". Nguyễn Ngọc

Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh để chống ngập khởi công tháng 6Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh để chống ngập khởi công tháng 6 Sự thật về lợn chết ở huyện Thuận Bắc - Ninh ThuậnSự thật về lợn chết ở huyện Thuận Bắc - Ninh Thuận Vụ nghi nhiễm sán lợn ở Thuận Thành: "Xét nghiệm miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn"Vụ nghi nhiễm sán lợn ở Thuận Thành: 'Xét nghiệm miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn'
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.