"May mắn" và "được" là những từ đầu tiên Phó TGĐ THP nhắc tới khi chia sẻ tại một cuộc tọa đàm trực tuyến có chủ đề "Dịch chuyển văn hóa DN trong thời kỳ biến động" hồi thứ Sáu tuần trước. "Tôi dùng từ "được" là bởi nhiều DN, nhiều ngành hàng đã phải đóng cửa nhà máy. Được sản xuất, có nghĩa là sản phẩm của THP được coi là cần thiết cho xã hội. Điều đó tạo thêm động lực cho người THP".
Các nhà máy THP tại Bình Dương - tâm dịch với vài nghìn ca mỗi ngày và Hậu Giang vẫn chạy máy đều đặn hàng tháng nay với "3 tại chỗ" cho khoảng 1.000 công nhân. Đó là một nỗ lực lớn, nếu biết rằng "3 tại chỗ" có nghĩa là hàng nghìn con người nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ăn, ngủ, sinh hoạt, sản xuất ngay trong nhà máy suốt thời gian đó.
Công nhân không tiếp xúc với bên ngoài. Nhưng hàng hóa thì vẫn cung ứng ra thị trường, nguyên liệu vẫn phải nhập vào nhà máy. Lương thực, thực phẩm phục vụ các bữa ăn cũng vậy. Bất kỳ một sơ suất nhỏ ở bất kỳ khâu nào đều có thể khiến các nhà máy "3 tại chỗ" trở thành ổ dịch.
"Ngoài bài toán an toàn sản xuất và đời sống, việc lưu thông hàng hóa gặp trở ngại lớn trong bối cảnh giãn cách ở nhiều tỉnh thành. Đó là bài toán lớn mà các DN sản xuất phải đối mặt, không riêng gì THP", bà Uyên Phương chia sẻ với người viết.
"THP gặp khó khăn gì ư? Hãy thử hình dung một việc nhỏ thế này: bạn phải giao bao đường 50kg từ kho đến phòng trộn trong khi phải duy trì 5K, hoặc đảm bảo bốn bữa ăn ngon và đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày cho hàng nghìn người trong bối cảnh chuỗi cung ứng thực phẩm gián đoạn, đứt gãy. Có hàng trăm đầu việc và hàng nghìn quy trình phải tính toán, thay đổi để thích nghi như vậy", nữ tướng của THP nói thay cho câu trả lời.
Một điều dễ nhận thấy trong suốt cuộc tọa đàm là nữ phó tướng này luôn có cái nhìn lạc quan với mọi thách thức. Bà Phương lại cảm thấy "may mắn", vì trong vài năm qua toàn công ty đã có nhiều khóa huấn luyện về phát triển lãnh đạo cho nhân sự các cấp, nên đây là cơ hội để mỗi người trong công ty trải nghiệm và áp dụng. "Khó khăn cũng như tập võ vậy đó, tập được nhiều đường quyền khó thì càng mau lên đai", bà Phương ví von.
Bà Phương cho biết, những giá trị cốt lõi vốn đã "ăn vào máu" của người THP nay được biến thành những hành động cụ thể. "Vừa 5K, vừa 3T (3 tại chỗ) có nghĩa là hàng loạt những vấn đề mới phát sinh đòi hỏi cải tiến và sáng tạo liên tục. Nhiều đồng nghiệp đã nói trong cuộc họp rằng: nhờ những ngày 3T với những nỗ lực và cách thức thực thi khó tin như vậy, tôi mới cảm nhận được sâu sắc tinh thần "không gì là không thể".
Cùng gặp thử thách, nhưng đặc thù ngành hàng khiến hiện nay Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) phải đóng cửa 95% số cơ sở kinh doanh. Sự giàu có trong liên tưởng về ngành vàng đã không còn đúng, khi có những tháng của năm 2020, PNJ báo lỗ gần trăm tỷ đồng.
Năm nay, với sự phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của PNJ đã tích cực hơn với lợi nhuận 736 tỷ đồng (theo BCTC bán niên). Nhưng việc giãn cách trên diện rộng trong tháng 7 được dự báo sẽ đánh mạnh và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Dù vậy, bà Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung vẫn tỏ ra lạc quan khi so sánh bối cảnh hiện tại với những cú sốc kinh doanh mà PNJ và ngành vàng từng trải qua trong quá khứ, điều mà bà không muốn nhắc cụ thể.
"Lúc đó, chúng tôi đối mặt với việc phá sản. Ban Lãnh đạo công ty đã ngồi đối diện với nhau, cùng nhắc lại tầm nhìn - sứ mạng - giá trị cốt lõi của PNJ để từ đó tìm kiếm chiến lược phát triển mới", bà Dung hồi tưởng.
Theo "người đàn bà thép", những trải nghiệm đó đã giúp PNJ hình thành bản năng tự nhiên khi đón nhận các thách thức, dù là biến cố gia đình, việc đóng của hầu hết các cửa hàng hay phải gánh lỗ cục bộ tại một thời điểm.
"Tôi luôn cố gắng tiên lượng kịch bản xấu nhất, để tìm lối ra. Từ khi dịch COVID-19 manh nha từ cuối 2019, PNJ đã lên nhiều kịch bản, tùy tình hình mà ấn nút", bà Dung nói.
Vì đã chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch hành động, nên theo bà Dung, hiện hơn 7.000 nhân sự của PNJ vẫn đang làm việc để chuẩn bị cho việc "trở lại và lợi hại hơn xưa" ngay sau khi hết giãn cách.
Tuần trước, trên mục "Góc nhìn" của một tờ báo, một lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng các chi phí tăng lên do phục vụ 3T cũng như sự sụt giảm cầu và khó khăn trong vận chuyển hàng hóa dẫn đến lỗ khi duy trì sản xuất trong giai đoạn vừa qua. Đóng cửa là giải pháp tốt hơn cho chủ DN, nhiều công ty đã chọn cách đó.
Chia sẻ hình ảnh một bát chè chuối mà nhà bếp vừa nấu để phục vụ bữa ăn chiều cho công nhân nhà máy, bà Trần Uyên Phương cho biết: "Trước nay, bữa chiều thường là sữa hộp. Vẫn đủ chất dinh dưỡng, nhưng không mang lại niềm vui và cảm giác ngon miệng".
Trong số khoảng 1.000 thực khách "3T và 5K", có không ít người ăn chay và ăn kiêng. Căn-tin của THP cũng có "luồng xanh" và thực đơn riêng cho họ. Trong những bữa ăn hoặc giờ nghỉ ca, các công nhân mặc dù phải ngồi xa nhau và không được nói chuyện khi tháo khẩu trang, nhưng họ được nghe những bài hát lạc quan có giai điệu hào hùng do nội bộ sáng tác, bên cạnh những bản tin "báo tường" hàng ngày.
THP đang duy trì sản xuất trong một trạng thái "thời chiến". Vừa phục vụ các nhu cầu thiết yếu của "chiến sỹ", vừa "binh vận", vừa liên tục cải tiến các quy trình và hoạt động để thích nghi với yêu cầu 5K, vừa duy trì kỷ luật lao động cao để đảm bảo an toàn cho con người và chất lượng sản phẩm.
"May mắn" tiếp theo với THP so với các công ty và nhà máy khác là lãnh đạo từ cấp cao nhất đến cấp nhà máy đều ở ngay trên "chiến trường", vừa chăm lo đời sống vừa dẫn dắt cải tiến và giải quyết mọi vấn đề phát sinh.
Đối với PNJ, dù không "3 tại chỗ", nhưng bà Cao Thị Ngọc Dung luôn liên tục họp trực tuyến để động viên và nhắc nhở 7.000 người phải tích cực làm việc theo các kế hoạch đã định, bám sát các mục tiêu và phát huy các nền tảng tư tưởng cốt lõi của công ty này, như "kiên định", "cùng phát triển".
"Trong dịch, chúng ta thường nói đến sự an toàn thể chất. Nhưng đừng quên sự an toàn về tinh thần và cảm xúc khi mà mọi thứ xung quanh đều dễ trở nên tiêu cực", bà Phương cho biết.
Chia sẻ với khoảng 600 nhà quản lý và lãnh đạo các DN tại buổi tọa đàm, ông Alain Goudsmet - Chủ tịch tập đoàn Mentally Fit Global cho rằng các lãnh đạo phải duy trì và phát huy được sức mạnh của tổ chức thông qua ba trụ cột: thể chất, tinh thần và cảm xúc.
"Trong bối cảnh xã hội đầy biến động và xáo trộn, nhân sự và các tổ chức như đi trong một cái hầm tối. Người lãnh đạo phải thắp sáng lên ngọn đèn, không chỉ là ánh sáng của mục tiêu cuối đường hầm, mà còn là ánh sáng để chỉ đường cho tổ chức đi được đến đó", ông Goudsnet nói trong sự tán đồng của các nhà lãnh đạo DN.