Bệnh nhân N.T.H.V (18 tuổi) bị nhiễm viêm não mô cầu đã chấm dứt hôn mê - Ảnh: Tú Uyên |
Nữ sinh mắc viêm não mô cầu đã thoát hôn mê
Ngày 1/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, Ths. BS. Đào Hữu Thân, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Ngay sau khi có thông tin về bệnh nhân N.T.H.V (18 tuổi) bị nhiễm viêm não mô cầu, trung tâm đã cử ngay đội ứng phó dịch bệnh đến hiện trường, nơi bệnh nhân sinh sống và học tập để xử lý. Tại đây, đang có khoảng 70 học viên theo học, đội ứng phó dịch đã tiến hành khử khuẩn và giám sát chặt chẽ. Qua đó, cũng đã phát hiện hai bạn học của nữ sinh này có biểu hiện đặc trưng của viêm não mô cầu. Cả hai trường hợp này đều được đưa tới viện điều trị, cách ly và đến thời điểm này đã ổn định sức khỏe, tiếp tục theo dõi, có thể ra viện trong 1 - 2 ngày tới. Các học viên, giáo viên tại trung tâm từng tiếp xúc với bệnh nhân đều được lập danh sách theo dõi và được uống kháng sinh phòng bệnh. “Khi đã được uống kháng sinh dự phòng, về cơ bản là yên tâm không lây nhiễm bệnh”, ông Thân cho biết.
Viêm màng não mô cầu nguy hiểm, song có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu nhóm A,B và C. Vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ hai tuổi trở lên, tiêm một liều duy nhất, nhắc lại ba năm/lần. |
Theo ông Thân, viêm màng não mô cầu là bệnh lý có xu hướng gia tăng trong mùa đông-xuân, tuy nhiên vẫn xuất hiện rải rác khắp Hà Nội quanh năm. Các trường hợp mắc đều được phát hiện, điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch tốt nên không có thêm ca mắc mới tại nơi có bệnh nhân. Bệnh lây qua đường hô hấp nhưng nếu phát hiện sớm, được dùng kháng sinh đúng chỉ định sẽ khống chế được bệnh.
Về tình hình bệnh nhân Nguyễn N.T.H.V, BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, tới nay nữ sinh này đã chấm dứt hôn mê, hoàn toàn tỉnh táo trở lại. Theo BS. Cấp, vi khuẩn gây viêm não mô cầu có thể có ở hầu họng người bình thường, đôi khi bùng phát gây bệnh và có thể lây lan thành dịch tại những nơi công cộng. Bệnh có hai thể: Viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. “Trường hợp nữ sinh N.T.H.V là thể viêm màng não. Nếu ở thể nhiễm khuẩn huyết có thể diễn biến tối cấp, gây tử vong nhanh chóng, tuy nhiên ca bệnh này rất hiếm gặp”, BS. Cấp nói và nhận định: “Từ trước tới nay, những ca bệnh viêm màng não mô cầu đều được phát hiện nhanh chóng, khoanh vùng dịch sớm nên không để xảy ra dịch lớn”.
Bệnh truyền nhiễm cấp tính
Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não mô cầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề. Trẻ em bị mắc có nhiều trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ. Bệnh này thường xảy ra ở những khu tập thể, nơi tập trung đông người, lây qua đường hô hấp và tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. “Ai cũng có thể mắc bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, kể cả trẻ em và người lớn. Với các triệu chứng như: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể đau họng, xuất hiện chấm nhỏ hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước… bệnh nhân đều được nghi ngờ mắc viêm não mô cầu”, ông Phu nhấn mạnh.
Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, xúc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ, vaccine được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.