Ô tô Thái Lan khó cửa xuất ngoại vì đại dịch

Xuất khẩu ô tô nguyên chiếc của Thái Lan giảm ở tất cả thị trường do doanh số bán xe ô tô ở các nước đối tác sụt giảm bởi đại dịch Covid-19.
Ô tô Thái Lan kẹt đường xuất ngoại vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Xuất khẩu ô tô nguyên chiếc của Thái Lan trong tháng 9/2020 giảm mạnh so với cùng kì năm 2019 và giảm ở tất cả các thị trường. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan (Bộ Công thương), trong tháng 9/2020, xuất khẩu ô tô nguyên chiếc của Thái Lan đạt 63.941 xe, giảm 34,45% so với cùng kì năm 2019 và giảm ở tất cả các thị trường.

Nguyên nhân là doanh số bán xe ô tô ở các nước đối tác sụt giảm do dịch Covid-19 bùng phát và chưa phục hồi như trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 36,7 tỉ Baht, giảm 28,90% so với tháng 9/2019. Tuy nhiên, xuất khẩu ô tô trong tháng 9/2020 tăng 11,39% so với tháng 8/2020.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu ô tô nguyên chiếc là 521.457, giảm 36,49% và giá trị xuất khẩu là 288,2 tỉ baht, giảm 31,85% so với cùng kì năm 2019. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Thái Lan ước xuất khẩu cả năm đạt khoảng 700.000 xe.

Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2020, bao gồm cả xuất khẩu ô tô nguyên chiếc, động cơ, phụ tùng ô tô, xe máy là 455,5 tỉ baht, giảm 31,20% so với cùng kì năm 2019.

Đại dịch Covid-19 khiến nợ hộ gia đình tại Thái Lan tăng cao do người lao động mất việc làm và giảm thu nhập dẫn đến giảm khả năng thanh toán. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cho biết nợ hộ gia đình trong năm nay đã tăng từ 80% trên GDP trong quí I/2020 lên 83% trong quí II/2020, tương đương 13,58 nghìn tỉ baht.

Liên đoàn công nghiệp Thái Lan ước tính số lao động bị thất nghiệp năm nay cao ở mức kỉ lục từ 2,5 – 3 triệu người. Theo nghiên cứu của BOT, cứ 5 người hưởng lương hưu trong độ tuổi từ 61 - 65 sẽ có một người nợ khoảng 100.000 baht.

50% số nợ thuộc nhóm người trẻ hơn (30 - 40 tuổi), chủ yếu qua hình thức vay cá nhân hoặc thẻ tín dụng. Nợ hộ gia đình tại Thái Lan có thể tiếp tục tăng trong hai năm tới nếu nền kinh tế dự báo phục hồi.

Do xu hướng nợ hộ gia đình tiếp tục tăng, BOT đã phối hợp với các tổ chức tài chính đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 bao gồm tạm hoãn thanh toán gốc và lãi, giảm tỷ lệ trả góp tối thiểu của các khoản vay cá nhân/khoản vay tín dụng. Tuy nhiên, về lâu dài cần tái cơ cấu nợ như điều chỉnh hình thức cho vay từ ngắn hạn sang dài hạn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.