Ông Biden chọn ngoại trưởng nhằm lôi kéo đồng minh đối phó Trung Quốc

Những cái tên được đề cử cho Nội các của ông Joe Biden cho thấy chính quyền Mỹ mới có vẻ quyết tâm làm việc với các nước đồng minh nhằm đối phó với Trung Quốc hiệu quả hơn thời ông Trump.
Ông Biden muốn bộ trưởng ngoại giao mới lôi kéo đồng minh giúp Mỹ đối phó Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden và cựu thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken. (Ảnh: Reuters)

Hôm 23/11, ông Biden thông báo ý định bổ nhiệm cựu thứ trưởng ngoại giao thời Obama làm Ngoại trưởng Mỹ. Nếu được Thượng viện chấp thuận, ông Antony Blinken sẽ là người đi đầu trong chính sách đối phó với Trung Quốc của ông Biden.

"Những gì Blinken làm trong suốt sự nghiệp của ông là xây dựng quan hệ với các đồng minh Mỹ. Việc lựa chọn Blinken cho thấy ông Biden gần như chắc chắn sẽ thực hiện tốt lời hứa là tái hợp tác với các đồng minh của Mỹ", ông Isaac Stone Fish - nhà nghiên cứu tại Asia Society trả lời phỏng vấn CNBC.

Nhiều nhà phân tích kì vọng làm việc với những nước khác sẽ tạo cho Mỹ thêm lợi thế khi đàm phán với Trung Quốc.

Theo CNBC, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã chuyển từ cách tiếp cận thân thiện với Bắc Kinh của ông Obama sang lập trường cứng rắn, tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Chính quyền Trump áp thuế quan lên hàng tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và sử dụng chiến lược tương tự lên các đối tác quan trọng như Mexico và Liên minh châu Âu.

Ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ và Trung Quốc tạm ngưng thương chiến với việc kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, theo đó Trung Quốc hứa tăng cường mua hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc khó hoàn thành cam kết này. 

Ngoại trưởng tương lai Blinken cho rằng Mỹ nên làm việc với Trung Quốc theo cách tạo ra được hành động. Ông cũng nghĩ Mỹ có thể tạo ra khác biệt lớn bằng cách thể hiện vai trò lãnh đạo qua việc tham gia các thể chế quốc tế, thay vì rời bỏ các hiệp định và tổ chức toàn cầu như những gì ông Trump làm.

Ông Blinken có nhận định tích cực về việc tìm cách để hai nước xây dựng mối quan hệ tốt hơn.

Trong cuộc hội thảo trực tuyến của Chatham House ngày 30/4, ông nói: "Nếu chúng ta làm việc cùng các đối tác và kiên quyết rằng Bắc Kinh phải làm theo trách nhiệm của họ thì chúng ta sẽ tiến xa hơn rất nhiều so với việc cứ lặp đi lặp lại trò đối đầu rồi xuống nước như hai hoặc ba năm qua".

Tăng cường hợp tác, chính sách cứng rắn hơn

Cả giới phân tích Trung Quốc lẫn Mỹ đều dự đoán chính quyền ông Biden sẽ để tâm đến hàng loạt vấn đề từ thế thống trị của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đến nhân quyền, chứ không chỉ là thương mại.

Hồi tháng 5, ông Blinken cũng nói rằng ông sẽ ủng hộ việc trừng phạt Trung Quốc nhằm đáp trả luật an ninh quốc gia Hong Kong.

"Trump đã làm tổn thương sâu sắc mối quan hệ Mỹ-Trung. Dù Biden và đội ngũ của ông ấy rất quen thuộc với Trung Quốc, họ không thể tránh né những vấn đề chính quyền tiền nhiệm tạo ra", bà Shen Yamei, phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết.

Bà Yamei dự đoán Trung Quốc sẽ chỉ im lặng quan sát tình hình nội địa Mỹ và việc nước này tập hợp đồng minh trong vài tháng đầu chính quyền ông Biden nắm quyền. Bà kì vọng ông Blinken sẽ duy trì chính sách hợp tác với Trung Quốc, nhưng việc chuyển đổi sự tập trung từ thương mại sang nhiều lĩnh vực sẽ đánh dấu "tình thế mới đối với Trung Quốc".

Bắc Kinh đã chậm trễ trong việc chúc mừng ông Biden thắng cử. Ông Richard Fontaine, cựu cố vấn đối ngoại của cố thượng nghị sĩ John McCain nói: "Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ ăn mừng khi Biden thành tổng thống Mỹ".

"Chính quyền mới hẳn là sẽ có cái nhìn ngờ vực về Trung Quốc hơn là chính quyền Obama. Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Và những người đã được đề cử vào Nội các của Biden cho đến nay đang đứng ngay trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc đọ sức này".

Ông Biden đã chọn cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Janet Yellen làm bộ trưởng tài chính Mỹ. Dưới thời ông Trump, Bộ trưởng Tài chính và Đại diện Thương mại là những người dẫn đầu các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Ông Biden chưa tiết lộ người ông nhắm vào vị trí đại diện thương mại.

Ông Tom Rafferty, Giám đốc khu vực châu Á tại nhóm nghiên cứu The Economist Intelligence Unit nói rằng bà Yellen nhiều khả năng sẽ không theo đuổi các biện pháp của chính quyền ông Trump như trừng phạt và thắt chặt qui định đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Ông Rafferty cũng dự đoán thuế quan sẽ không đóng vai trò chủ đạo trong chính quyền ông Biden. "Chúng tôi nhận định Mỹ có thể sẽ dỡ bỏ thuế quan của một số hàng hóa nhất định".

Trung Quốc để ngỏ các lựa chọn

Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực xây dựng quan hệ với các đối tác thương mại. Giữa tháng 11, Trung Quốc và 14 nước khác đã kí kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

Ngày 20/11, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra bình luận hiếm hoi trước công chúng về mối quan tâm của Trung Quốc trong việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mỹ đã rút khỏi phiên bản trước đây của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi ông Trump nhậm chức năm 2017.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có kế hoạch thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này.

CNBC dẫn lời bà Shen Yamei - Phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận xét: "Trung Quốc đang hướng sang hai phía, một là Mỹ và hướng còn lại là thế giới. Nếu đối mặt với áp lực từ Mỹ, chúng tôi sẽ cởi mở hơn với phần còn lại của thế giới". 

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.