Khi giới thiệu về chính sách đối ngoại và đội ngũ an ninh quốc gia cho chính quyền mới, cựu Phó Tổng thống Joe Biden cho thấy sau khi nhậm chức, ông có ý định đưa Mỹ thoát ra khỏi chủ nghĩa dân tộc đơn phương mà ông Trump theo đuổi.
Trong 4 năm đương nhiệm, ông Trump đã nhiều lần làm phật lòng các đồng minh của Mỹ tại châu Âu cũng như nhiều khu vực khác bằng chiến lược chống đối với liên minh NATO và đối tác thương mại, rút khỏi các thỏa thuận quốc tế và xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo được cho là độc tài.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã đề cử nhà ngoại giao kì cựu Antony Blinken cho chức Ngoại trưởng Mỹ. Ông cho biết đội ngũ an ninh quốc gia của mình sẽ loại bỏ "lối tư duy cũ và những thói quen khó bỏ" trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại.
"Đội ngũ an ninh quốc gia của tôi cho thấy nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn dắt thế giới thay vì né tránh như xưa. Nước Mỹ sẽ quay lại vị trí chủ trì, sẵn sàng đối đầu với kẻ thù và không chối bỏ đồng minh. Chúng tôi sẵn sàng đứng lên bảo vệ các giá trị của mình", ông Biden phát biểu từ quê nhà Wilmington, Delaware.
Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong suốt 4 năm nắm quyền của Tổng thống Trump, Reuters nhấn mạnh.
Trung Quốc đang trỗi dậy và táo bạo hơn, Nga tìm cách khẳng định sức mạnh hơn nữa, tầm ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu khi chính quyền ông Trump rút khỏi nhiều hiệp định khác nhau và giá trị đạo đức của Mỹ bị suy giảm do bất ổn tại quê nhà, Reuters liệt kê.
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền ông Biden có thể sẽ đi theo hướng đa phương và bằng con đường ngoại giao nhằm mục đích hàn gắn mối quan hệ của Washington với các đồng minh quan trọng cũng như để theo đuổi chiến lược mới trong các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Qua các cuộc điện đàm cùng 20 nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết ông bị ấn tượng bởi "họ đang rất mong chờ Mỹ tái khẳng định vai trò lịch sử, trở lại thành nhà lãnh đạo toàn cầu như trước kia".
Ông Biden hứa hẹn sẽ theo đuổi các liên minh, bao gồm cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau khi quan hệ song phương Mỹ - Trung leo thang căng thẳng và thậm chí được ví như Chiến tranh Lạnh.
Ông Biden được dự đoán là sẽ không mềm mỏng với Trung Quốc, song các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng Tổng thống đắc cử của Đảng Dân chủ sẽ sử dụng giọng điệu cân nhắc hơn và tăng cường củng cố các liên minh để chống lại Bắc Kinh.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ nói hợp tác cùng các đồng minh sẽ giúp nước Mỹ an toàn mà không tham gia vào "các cuộc xung đột quân sự không cần thiết".
Thời gian qua, trong khi Tổng thống Trump tiếp tục kiện cáo để lật ngược kết quả, ông Biden đã nhanh chóng tập hợp đội hình và đưa ra các lựa chọn Nội các đầu tiên.
Ông cho biết cấp dưới của mình đã có thể bắt đầu phối hợp với chính quyền ông Trump về an ninh quốc gia, đại dịch Covid-19 và kế hoạch phân phối vắc xin kể từ khi quá trình chuyển giao quyền lực được bật đèn xanh hôm 23/11.
Giới phê bình cho rằng việc ông Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử khiến chính quyền ông Biden yếu thế trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Đến nay, đại dịch tại Mỹ đã lây nhiễm cho hơn 12,5 triệu người, giết chết hơn 259.000 người và khiến hàng triệu người lao động mất việc.
Trong sự kiện thông báo về đội ngũ an ninh quốc gia mới, ông Biden đã kêu gọi Thượng viện nhanh chóng tổ chức điều trần để xác nhận các đề cử của ông. Ngoài ra, Tổng thống đắc cử của Đảng Dân chủ hi vọng có thể làm việc cùng Đảng Cộng hòa "một cách thiện chí để cùng tiến về phía trước".
Song, một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa như Marco Rubio - một đồng minh thân thiết của ông Trump - cho biết họ có thể cản trở các lựa chọn Nội các của ông Biden.