Ông lớn hàng không Đông Bắc Á giành sân với VNA, Vietjet Air

Thị trường hàng không Việt Nam phát triển bùng nổ đã khiến các hãng hàng không nước ngoài để mắt nhiều hơn tới các đường bay nối Tân Sơn Nhất, Nội Bài ra khu vực.

Cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều liên tục mở thêm nhưng đường bay quốc tế mới, nối các thành phố lớn của Việt Nam với các điểm du lịch hấp dẫn trong khu vực. Đây là nguồn thu mới của các hãng bay, trong bối cảnh hàng không nội địa đang bão hòa.

Tuy nhiên, bay quốc tế luôn là cuộc chơi hai chiều. Trong khi các hãng hàng không Việt mở đường bay đi các nước thì các hãng hàng không ngoại cũng tích cực mở đường bay tới Việt Nam.

Đụng độ các ông lớn Đông Bắc Á 

Các đường bay nối các quốc gia Đông Bắc Á tới Việt Nam đang là con gà đẻ trứng vàng của các hãng hàng không. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, nhóm các quốc gia Đông Bắc Á dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019.

Ông lớn hàng không Đông Bắc Á giành sân với VNA, Vietjet Air - Ảnh 1.

Thị trường hàng không Việt Nam phát triển bùng nổ đã khiến các hãng hàng không nước ngoài để mắt nhiều hơn tới các đường bay nối Tân Sơn Nhất, Nội Bài ra khu vực. (Ảnh: EVA).

Cụ thể, trong tổng số 12,8 triệu lượt khách du lịch Việt Nam trong 9 tháng, có tới 3,9 triệu lượt khách Trung Quốc đại lục, 3,1 triệu lượt khách Hàn Quốc, 712.000 lượt khách Nhật Bản và 674.000 lượt khách từ Đài Loan.

Tổng lượng khách đến từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Đông Bắc Á trên chiếm tới 66% lượng khách du lịch tới Việt Nam trong năm 2019. Đây là thị trường mà các hãng hàng không Việt luôn cạnh tranh gay gắt để có được thị phần.

Các hãng bay từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ này chắc chắn cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong vòng 1 năm đã có gần 50 đường bay quốc tế được mở đến và đi từ Việt Nam.

Cũng theo thống kê, ước tính đến cuối năm nay sẽ có đến 200 đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam. Thị trường hàng không quốc tế ở Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 15% hàng năm. Trong số đường bay mới mở, chủ yếu là các đường bay của các hãng hàng không Đông Bắc Á.

Điển hình, Cathay Pacific, hãng hàng không Hong Kong, vừa tăng tần suất mỗi ngày hãng có 2 chuyến bay giữa Hong Kong và Hà Nội. Hãng này khai thác 12 chuyến bay mỗi tuần và vừa bổ sung thêm 2 chuyến, trở thành 14 chuyến mỗi tuần.

Cathay Pacific cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại hãng hàng không giá rẻ Hong Kong Express (HK Express). Hãng này hiện khai thác các đường bay từ Hong Kong đến Đà Nẵng và Nha Trang. Hãng cũng đang cân nhắc Phú Quốc là điểm đến để khai thác thêm đường bay mới đến Việt Nam.

Eva Air, hãng hàng không của Đài Loan, cũng vừa nâng gấp đôi lượng chuyến bay từ sân bay Đào Viên tới sân bay Nội Bài từ tháng 10 vừa qua, nâng tần suất khai thác từ 7 chuyến/tuần lên 14 chuyến/tuần.

Nhiều hãng hàng không khác của Trung Quốc như Sichuan Airlines hay Quingdao Airlines cũng liên tục mở đường bay mới nối Trung Quốc tới các thành phố du lịch của Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang hay các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội.

Các hãng bay Hàn Quốc cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Trong khi Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways chạy đua mở đường bay tới Hàn Quốc thì ở chiều ngược lại, các hãng bay Hàn cũng đang lấn sân tại thị trường Việt.

Hàng loạt đường bay mới nối Việt Nam và Hàn Quốc đã được các hãng bay như T'way Air, Korean Air, Air Busan thiết lập, nâng chuyến để tối ưu nguồn thu khi nhu cầu di chuyển hàng không giữa hai nước tăng trưởng mạnh.

Đông Nam Á và chướng ngại AirAsia, Scoot

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tổng lượng khách đến Việt Nam từ Malaysia, Thái Lan và Singapore chiếm khoảng 1 triệu lượt khách. Bên cạnh đó, nhu cầu di chuyển của người Việt tới những điểm du lịch tại 3 quốc gia này cũng không hề nhỏ.

Ông lớn hàng không Đông Bắc Á giành sân với VNA, Vietjet Air - Ảnh 2.

Việc các hãng bay ngoại mở đường bay hai chiều tới Việt Nam đang khiến thị trường trở nên sôi động. (Ảnh: Reuters).

Nắm bắt xu thế này, các hãng bay Việt Nam liên tục mở thêm các đường bay trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, các ông lớn hàng không khu vực như AirAsia, Scoot hay hàng loạt hãng bay giá rẻ của Thái Lan chắc chắn không bỏ qua thị trường Việt Nam.

Trong năm 2019, AirAsia đã thiết lập hàng loạt đường bay nối Malaysia tới các điểm đến Việt Nam như Phú Quốc, Cần Thơ, cũng như tăng chuyến trên các đường bay mà hãng đang khai thác.

Liên doanh Thai AirAsia của hãng cũng liên tục mở thêm đường bay nối Bangkok, Chiang Mai tới Cần Thơ, Đà Nẵng hay Nha Trang trong năm 2019.

Đường bay nối Việt Nam và Singapore cũng có sự tham gia của Scoot, thương hiệu bay giá rẻ của Singapore Airlines. Hãng hiện có đường bay nối Singapore với hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP HCM.

Xa hơn, hãng hàng không giá rẻ Ấn Độ IndiGo cũng vừa mở đường bay thẳng thứ 2 nối Ấn Độ với Việt Nam.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.