Các hãng hàng không đang khai thác bao nhiêu máy bay khi bầu trời Việt bắt đầu chật chội?

Đến hết tháng 9/2019, 5 hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways và VASCO đang khai thác 200 máy bay. Thống kê của Cục Hàng không, tính đến hết tháng 9/2019, ngoài 5 hãng nội địa, có 70 hãng hàng không nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động tại các sân bay Việt Nam.

Trong khi 5 hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways và VASCO đang tích cực cho kế hoạch tăng quy mô đội bay lên gấp rưỡi vào năm 2025, thì 3 hãng hàng không mới là Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Kite Air chuẩn bị cất cánh vào năm sau, cũng có kế hoạch tăng quy mô đội bay gấp 3-5 lần so với năm đầu tiên đi vào khai thác.

Quy mô đội bay tăng gấp đôi 5 năm trước, 5 hãng đang có 200 máy bay

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số lượng máy bay của 5 hãng hàng không nội địa đang hoạt động là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways và VASCO đạt 200 chiếc.

maybay7zing-1566369674778191521024-crop-1566369705663895470465

Tính đến tháng 9/2019, quy mô đội bay trên thị trường đạt 200 chiếc. (Ảnh: Zing).

Nếu so với 5 năm trước, từ con số 102 máy bay, quy mô đội bay này đã tăng gấp gần 2 lần.

Về số lượng máy bay của từng hãng, Vietnam Airlines đang sở hữu nhiều máy bay nhất, nếu tính luôn cả VASCO thì số lượng máy bay của hãng đang ở con số 98 chiếc.

Tiếp đến là hãng bay giá rẻ Vietjet Air của nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với 70 chiếc. Jetstar đang có tổng cộng 18 máy bay. Đang sở hữu số lượng máy bay ít nhất là hãng bay cất cánh vào đầu năm nay Bamboo Airway, với 10 chiếc.

Đứng trước dự báo về thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng, cụ thể, Ngân hàng Thế giới cho biết ngành hàng không Việt Nam hiện có mức tăng trưởng hành khách đứng đầu Đông Nam Á, là nước có thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, các hãng bay đang tích cực mở rộng thị phần bằng việc tăng quy mô đội tàu bay, nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn thông qua số chuyến bay và đường bay.

Dự báo đến năm 2025, quy mô đội bay của Vietnam Airlines sẽ tăng lên thành 135 chiếc. Mới đây, Cục Hàng không đánh giá dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing 737 MAX trị giá 88.100 tỉ đồng của Vietnam Airlines đủ điều kiện để Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Với quy mô này, Vietnam Airlines tiếp tục là hãng dẫn đầu về số lượng máy bay đang khai thác. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-15 lúc 16

Tính đến năm 2025, tổng số lượng máy bay của 5 hãng trên sẽ là 317 chiếc. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong khi đó, Vietjet cũng có kế hoạch tăng thêm 50 máy bay, đến năm 2025, đội bay của hãng này sẽ có tổng cộng 120 chiếc. Jetstar cũng có dự định sẽ tăng số lượng máy bay đến năm 2025 lên thành 32 chiếc.

Đầu tháng 9, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết cũng được chấp thuận tăng quy mô từ 10 lên thành 30 chiếc đến năm 2025. 

Như vậy, tính đến cột mốc 2025, tổng số lượng máy bay của các hãng sẽ là 317 chiếc, tăng 117 chiếc so với hiện nay. Trong khi đó, ở kế hoạch ngắn hạn, đến hết năm sau, tổng quy mô đội bay của 5 hãng hàng không trong nước sẽ là 235 chiếc.

Các hãng chưa bay cũng ồ ạt tăng quy mô đội bay

Không kém cạnh "đàn anh", 3 hãng bay mới là Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Kite Air dù đang chờ Thủ tướng chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư nhưng đã có kế hoạch cất cánh ngay năm sau và vẽ ra quy mô đội bay không hề thua kém.

vinpearl-air-tuyen-sinh-15659482036241039431334-crop-15659482941901224345883-2-15667966726841473586644-15704664752232001819193

Vinpearl Air dự kiến có 6 máy bay vào năm sau và tăng lên 30 chiếc đến năm 2025. (Ảnh: Vinpearl Air).

Cụ thể, Vinpearl Air của tỉ phú Phạm Nhật Vượng dự định cất cánh vào năm sau với 6 tàu bay. Hãng vạch ra kế hoạch đến năm 2025 sẽ có tổng cộng 36 máy bay, khai thác các đường quốc tế và nội địa. 

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng số lượng tàu bay tương ứng của các hãng đến năm 2020 là 255 máy bay và tăng lên 384 tàu bay vào năm 2025. Số liệu này được tính trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng àng không Việt Nam trung bình là 250.000 khách/tàu bay/năm.

Vì vậy, Bộ cho rằng quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 của Vinpearl Air có khả năng vượt quá nhu cầu thị trường, nên ở mức 30 tàu bay là hợp lí.

Trong khi đó, Kite Air dự định mang 3 máy bay cất cánh vào năm sau, và đến năm 2025 sẽ có 25 chiếc. Hãng Vietravel bay theo mô hình thuê chuyến, phục vụ du lịch nên số lượng máy bay dự kiến ít hơn, với 3 chiếc vào năm sau và tăng lên thành 8 chiếc đến năm 2025.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-15 lúc 16

Quy mô đội bay của 3 hãng mới chuẩn bị gia nhập thị trường. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Theo kế hoạch này, có thể thấy, các hãng bay mới đang "ôm mộng" tăng quy mô đội bay gấp từ 3-5 lần sau 5 năm đi vào khai thác. Nếu đúng dự kiến, đến năm 2025, quy mô đội bay của 5 hãng hiện có và 3 hãng chuẩn bị cất cánh là 380 máy bay.

75 hãng hàng không cùng hoạt động, nỗi lo áp lực lên sân bay

Nhìn thấy sự phát triển của ngành hàng không, nhất là việc duy trì tăng trưởng kép nhiều năm qua, các hãng đã có kế hoạch tăng quy mô đội bay. Tuy nhiên, một vấn đề đau đầu khác thách thức "cuộc đua" tăng quy mô đội bay để giành thị phần hiện nay là sự quá tải tại các sân bay.

Đầu năm nay, FlightGlobal cho biết ngành hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó với tình trạng quá tải năng lực tiếp nhận tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), trong khi sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) vẫn đang trong quá trình triển khai. 

Thực tế không chỉ 5 hãng hàng không nội địa đang khai thác mà theo thống kê của Cục Hàng không, tính đến hết tháng 9/2019, có 70 hãng hàng không nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động tại các sân bay Việt Nam.

Trước áp lực hạ tầng, dù đồng ý với kế hoạch tăng quy mô đội bay của các hãng mới nhưng Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt lưu ý, vì sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang trong tình trạng quá tải và có thể không còn khả năng chứa.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-15 lúc 16

Công suất của sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải và vượt xa thiết kế. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Bộ GTVT đã yêu cầu các hãng bay bổ sung kế hoạch đỗ tàu qua các năm và đến 2025, vì sân bay căn cứ Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới. Tân Sơn Nhất cũng không còn vị trí đỗ tàu bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 nên việc phải bố trí đội tàu bay đỗ qua đêm tại các cảng khác là điều cần tính đến.

Trong khi đó, Cục Hàng không cho biết tỉ trọng khai thác trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP HCM hoặc có đường bay quốc tế qua 3 điểm này luôn chiếm trên 90%, là nguyên nhân trực tiếp xảy ra tình trạng quá tải từ điểm nọ sang điểm kia.

Không chỉ thiếu nơi đỗ, việc các hãng tăng cường khai thác về tần suất, số chuyến bay mỗi ngày cũng gây áp lực lên các sân bay, nhất là sự xuống cấp trầm trọng thời gian qua. 

Thống kê của Tổng công ty quản lí bay Việt Nam (VATM) cho biết hiện trung bình mỗi ngày, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có khoảng 700 chuyến bay. Tổng số chuyến bay được điều phối cất và hạ cánh là 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Điều này đang gây áp lực cho các đường băng, khiến sân bay bị xuống cấp trầm trọng thời gian qua. Điều tương tự cũng xảy ra tại Nội Bài khiến Cục Hàng không thời gian qua thường xuyên lên tiếng về vấn đề an ninh, an toàn hàng không tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.