CNBC nhận định, các quan chức Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không sử dụng thời điểm nước Mỹ xáo trộn để gây hấn và kích động chính quyền Tổng thống Trump.
Hiện nay, Bắc Kinh đang thực hiện nhiều mục tiêu như thắt chặt kiểm soát của chính phủ lên khu vực tư nhân, nhanh chóng phát triển đồng tiền kĩ thuật số và thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ.
Dù không gây hấn với Washington nhưng ít nhất Bắc Kinh sẽ nắm bắt giai đoạn này như một cơ hội thuận lợi để tăng cường chính sách hiện có trên nhiều mặt trận nhằm xây dựng sức mạnh của đất nước.
Loạt sự kiện gần đây tại Mỹ cũng góp phần khiến Trung Quốc tin tưởng rằng hệ thống chính phủ của họ có thể đáp ứng nhu cầu của người dân và duy trì tính ổn định chính trị tốt hơn so với hiện trạng rối loạn của nền dân chủ Mỹ và phương Tây.
Trong tuần qua, giới chức Trung Quốc phản ứng khá thận trọng trước cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên của cặp đôi Trump - Biden cũng như diễn biến bệnh tình của ông Trump.
Song, bình luận của các nhà quan sát trong nước - vốn thường phản ánh quan điểm chính thức của Bắc Kinh, khiến người khác gần như tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình coi tuần qua là một giai đoạn cực kì tích cực với Trung Quốc.
Ông Hồ Tích Tiến - tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, bình luận: "Tình trạng hỗn loạn ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị Mỹ cho thấy xã hội Mỹ đang chia rẽ và đáng lo ngại như thế nào. Hơn nữa, diễn biến tuần qua còn cho thấy hệ thống chính trị Mỹ đang mất dần lợi thế".
Chia sẻ về hơn chục ca dương tính với Covid-19 tại Nhà Trắng cuối tuần qua, ông Hồ Tích Tiến đã nhấn mạnh một thông điệp mà giới chức Trung Quốc luôn nhất quán gửi tới các đối tác toàn cầu: So với Trung Quốc, giới lãnh đạo và chính phủ Mỹ đã thất bại nặng nề trong việc xử lí cuộc khủng hoảng năm nay.
"Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân đã phải trả giá khi hạ thấp rủi ro của đại dịch Covid-19", ông Hồ Tích Tiến đăng tải trên Twitter.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu đặt nhiều câu hỏi về độ bền vững của mô hình Mỹ và mối nguy hiểm khi thế giới phụ thuộc vào Mỹ.
Hiện tại, Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn đầu tiên quay trở lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Giới lãnh đạo Trung Quốc coi năm 2020 như một cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu theo hướng có lợi cho họ.
Tuần qua, hai báo cáo từ Ủy ban Tình báo Hạ viện và nhóm China Task Force của Đảng Cộng hòa Hạ viện đều cho thấy lưỡng đảng Mỹ đồng thuận rằng Washington có thể tụt lại sau Bắc Kinh trong một cuộc cạnh tranh đa chiều trong tương lai.
Trên tờ Foreign Affairs, ông Adam Schiff - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho hay: "Kết quả điều tra của chúng tôi rất đáng quan ngại". Bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện cho thấy cơ quan tình báo Mỹ "chưa sẵn sàng và hoàn toàn không thể" kiểm soát được mối nguy Trung Quốc.
Ông Schiff kêu gọi các cơ quan tình báo Mỹ nên xây dựng một nhóm hoàn toàn mới để phát triển các bộ kĩ năng nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc "ở các lĩnh vực mới như không gian vũ trụ và mạng máy tính, những thứ sẽ định hình lại các khái niệm hiện có về cách một cuộc chiến tranh thế kỉ 21 sẽ diễn ra..."
Hai Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy và Michael McCaul đã cảnh báo trên National Review về phát hiện mới của China Task Force: "Mỹ sắp đánh mất tương lai vào tay siêu cường Trung Quốc".
Hai ông kêu gọi tăng gấp đôi tài trợ liên bang cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử trong vòng hai năm tới, đảm bảo rằng Mỹ dẫn đầu cả về thiết lập tiêu chuẩn 5G quốc tế cũng như chế tạo chip bán dẫn tiên tiến.
Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực toàn diện trên hàng loạt lĩnh vực như chính trị, công nghệ và kinh tế nhằm mục đích biến những gián đoạn của năm 2020 thành lợi ích lịch sử.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã quốc hữu hóa và thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo quyền kiểm soát của nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, lực lượng đóng góp 60% vào sản lượng kinh tế và 80% việc làm của Trung Quốc.
Đồng thời, ông Tập còn cân nhắc đưa doanh nghiệp nước ngoài vào danh sách đen. Một CEO người Trung Quốc nổi tiếng với thái độ bất hợp tác với chính phủ đã bị kết án tù về tội tham nhũng.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn đặt tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và phát triển đồng tiền kĩ thuật số.
Trên mặt trận công nghệ, giới chức Trung Quốc đã và đang sử dụng các lệnh cấm của Washington như một công cụ để tăng cường quyết tâm của họ.
Đứng đầu trong danh sách ưu tiên của Bắc Kinh là chip bán dẫn và phần mềm máy tính, công nghệ điện tử, AI, điện toán lượng tử, 5G, dược phẩm, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, robot và tự động hóa, công nghệ xanh và Internet Vạn vật (IoT).
Washington hiện nay dường như đang xem nhẹ điểm yếu của Bắc Kinh. Họ cho rằng Trung Quốc thiếu sức mạnh tiêu dùng để phục hồi kinh tế theo chính sách "lưu thông kép", Trung Quốc còn có khối nợ tăng cao, dân số già hóa,... Tuy nhiên, điểm yếu có thể bớt đáng lo khi đối thủ Mỹ liên tục "phản lưới nhà".
Bất luận Tổng thống Trump hồi phục ra sao và ai sẽ thắng cử năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn quyết tâm biến giai đoạn bất ổn này thành yếu tố phục vụ cho cuộc chơi lâu dài của Trung Quốc và thành tựu lịch sử của chính ông.