Ông Trump tiếp tục mạnh tay với Trung Quốc trong những tuần cuối nhiệm kì

Thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua không làm ông Trump chùn bước trong việc trừng phạt Trung Quốc, trái lại còn khiến ông mạnh tay hơn. Câu hỏi được đặt ra lúc này là quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn căng thẳng tới mức nào trong 7 tuần còn lại trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức?
Ông Trump mạnh tay đối phó Trung Quốc trong những tháng 'hoàng hôn nhiệm kì' - Ảnh 1.

Nhiệm kì của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ kết thúc vào ngày 20/1/2021. (Ảnh minh họa: AP).

Riêng trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra hai biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc. Một là rút ngắn thời hạn thị thực (visa) với Đảng viên Cộng sản Trung Quốc từ 10 năm xuống còn 1 tháng, hai là cấm nhập khẩu bông từ một tập đoàn mà phía Mỹ cho là có liên quan tới quân đội Trung Quốc và cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua một dự luật có nội dung yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ qui định kế toán của Mỹ, nếu không sẽ bị hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán Mỹ. Nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ kí ban hành dự luật này.

Theo Bloomberg, câu hỏi được đặt ra lúc này chỉ là quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn căng thẳng tới mức nào trong 7 tuần còn lại trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức?

Giữa tháng 12 này, chính quyền Donald Trump sẽ đến hạn chót nêu tên các ngân hàng làm ăn với những quan chức bị cáo buộc làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong. Washington có thể trừng phạt thêm nhiều quan chức đại lục và Hong Kong nữa, bao gồm cả những nhân vật cấp cao trong Bộ Chính trị.

Giáo sư Thời Ân Hoằng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc và là một cố vấn của chính phủ Bắc Kinh nhận định: "Các chính sách của Trump sẽ dồn Biden vào thế khó. Căng thẳng leo thang liên tục. Điểm khởi đầu cho cuộc đàm phán ngày càng cao. Phía Mỹ khó có thể trở về trạng thái trước xung đột".

Với ông Biden, các động thái mới đây từ phía Tổng thống Trump có thể tạo ra thêm đòn bẩy trong thương lượng với Trung Quốc, nhưng cũng có thể khiến ông mất quyền tự do hành động.

Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times tuần này, ông Biden – người từng nhiều năm làm Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện – cho biết ông sẽ không vội vàng gỡ bỏ thuế quan hay thực hiện bất kì thay đổi chính sách nào lớn với Trung Quốc. Thay vào đó, trước tiên ông sẽ bàn thảo với các đồng minh của Mỹ để đưa ra một chiến lược thống nhất ứng phó với Trung Quốc.

Theo Bloomberg, các đòn đánh của ông Trump tuần này làm mối quan hệ Trung – Mỹ càng thêm căng thẳng sau loạt tranh chấp về thương mại, địa chính trị và nguồn gốc COVID-19.

Hồi tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố nước Mỹ "chưa thể để yên" cho Trung Quốc và nặng lời chỉ trích chính quyền Bắc Kinh.

Hôm 2/12, cả hai đảng ở Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật cho phép các thanh tra viên của Mỹ được kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp Trung Quốc và yêu cầu các công ty này công khai mối quan hệ với chính phủ Bắc Kinh.

Bộ An ninh Nội địa cũng cho biết các nhân viên hải quan Mỹ sẽ tịch thu "các chuyến hàng chở bông và sản phẩm từ bông" có xuất xứ từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC).

Theo tờ South China Morning Post, XPCC hoạt động chủ yếu tại Tân Cương – một khu tự trị dân cư thưa thớt ở phía tây bắc Trung Quốc. Ngày 31/7 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh cấm vận đối với XPCC và một số nhân vật cốt cán của Binh đoàn này gồm: Bí thư đảng ủy Trần Toàn Quốc, cựu Bí thư đảng ủy Tôn Kim Long và Phó Bí thư đảng ủy Bành Gia Thụy.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), XPCC là một đơn vị kinh tế có qui mô khủng tại Trung Quốc. Năm 2019, XPCC quản lí khu vực có diện tích 70.000 km2 và ghi nhận tổng doanh thu hơn 40 tỉ USD, lớn hơn GDP của nhiều quốc gia như Campuchia, Iceland hay Paraguay.

"Những hành động sai trái"

Bloomberg trích dẫn thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh hôm 3/12 cho biết: "Nhà nước Trung Quốc đang tích cực hoạt động tại Mỹ để ảnh hưởng tới người dân Mỹ thông qua các chiêu bài tuyên truyền, cưỡng ép kinh tế và những hành động sai trái khác. Trong nhiều thập kỉ, Mỹ cho phép nhà nước Trung Quốc quyền tự do tiếp cận các tổ chức và doanh nghiệp Mỹ trong khi công dân Mỹ ở Trung Quốc lại chưa bao giờ có được đặc quyền như vậy".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết bà chưa được thông báo về lệnh hạn chế visa của Mỹ nhưng bà hối thúc phía Mỹ nên thay đổi chính sách đối địch hiện nay.

Trong một cuộc họp báo chiều 3/12, bà Oánh nói: "Chúng tôi hi vọng nước Mỹ sẽ có cái nhìn đúng đắn về Trung Quốc cũng như từ bỏ thái độ thù ghét và lối suy nghĩ bất bình thường về chính quyền Bắc Kinh".

Chính sách thắt chặt visa mới đây của ông Trump nằm trong chiến dịch tạo mối căng thẳng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tầng lớp nhân dân nói chung. Hồi tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thề "sẽ không bao giờ để bất cứ cá nhân hay thế lực nào chia rẽ Đảng Cộng sản và người dân Trung Quốc".

Theo Bloomberg, Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện có khoảng 92 triệu thành viên, bao gồm lãnh đạo chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương, giới truyền thông, học thuật và cả những doanh nhân giàu có như tỉ phú Jack Ma – nhà sáng lập tập đoàn Alibaba.

Giáo sư Thời Ân Hoằng nhận xét: "Chúng ta không biết liệu Biden có đồng ý với các chính sách mới đây của Trump hay không. Nhưng giả sử không đồng ý thì Biden cũng không thể làm được gì nhiều sau khi các biện pháp đã được thực thi".

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.