Cuộc tấn công kinh tế Trung Quốc nhắm vào Australia được phát động một phần nhằm cảnh báo các nước khác không to tiếng chống đối lợi ích của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh ông Biden muốn đoàn kết đồng minh của Mỹ. Nhưng theo Bloomberg, cuộc chiến này đã có dấu hiệu phản tác dụng.
Tuần trước, Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên tới 212% với rượu Australia. Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt biện pháp nhằm giảm thiểu hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Australia, từ than, đồng cho tới lúa mạch.
Căng thẳng giữa hai nước bị đẩy lên một nấc mới sau khi quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng ảnh binh sĩ Australia kề dao vào cổ một trẻ em Afghanistan.
Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố bức hình này là giả mạo và lập tức yêu cầu Trung Quốc xin lỗi. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hỏi rằng liệu ông Morrison có "ý thức về đúng và sai" hay không. Bà cũng nói rằng quan hệ song phương xuống dốc vì Australia "thực hiện các biện pháp sai lầm đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Đối với Bắc Kinh, các đòn đánh kinh tế vào Australia có mục đích là ngăn chặn những nước khác như Liên minh châu Âu và Nhật Bản tham gia chiến dịch chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.
Theo Bloomberg, các quan chức Trung Quốc coi chính phủ của ông Morrison là một mục tiêu dễ dàng: Trung Quốc chiếm tới 35% tổng kim ngạch thương mại của Australia, lớn gấp ba quốc gia xếp thứ hai là Nhật Bản. Trong khi đó, Australia chỉ chiếm chưa tới 4% thương mại của Trung Quốc.
Trung Quốc đang đặt cược rằng hầu hết các quốc gia phương Tây sẽ tránh khiêu khích Bắc Kinh vì không muốn đối mặt với các đòn trả đũa như Australia đang phải chịu.
Cùng lúc đó, Trung Quốc đang cố gắng củng cố quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á qua việc thúc đẩy thương mại, đầu tư vào mạng 5G và tiếp cận với vắc xin Covid-19.
Nhưng việc dùng kinh tế làm vũ khí của Trung Quốc có thể khiến các cường quốc tầm trung xích lại gần Mỹ hơn. Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết xây dựng lại những mối quan hệ đồng minh bị tổn hại bởi chính sách "Nước Mỹ lên trên hết" thời ông Trump, giúp một số nước dễ dàng gắn kết với chính quyền Washington hơn.
Ông Jeff Moon, cựu trợ lí đại diện thương mại của Mỹ cho biết: "Biden đang có kế hoạch nối lại chính sách quốc tế của Mỹ sau 4 năm trục trặc".
"Mấu chốt là làm việc cùng nhau," ông nói thêm. "Đó là điều Bắc Kinh sợ nhất và họ thấy điều đó sắp xảy ra."
Một số nhóm liên minh bao gồm "Bộ tứ Kim cương" - Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - cùng với "Ngũ Nhãn" – Mỹ, Australia, Anh, Canada và New Zealand đã được hồi sinh trong vài năm gần đây. Ý tưởng về các nhóm quốc gia mới cũng được cân nhắc.
Tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng 11 rằng chính quyền ông Trump đang xây dựng một kế hoạch trả đũa liên kết hòng cho phép phương Tây đẩy lùi hình thức tấn công kinh tế mà Trung Quốc đang áp dụng với Australia.
Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch kêu gọi Mỹ nắm bắt cơ hội "một lần trong đời" để hình thành một liên minh toàn cầu mới có thể chống lại Trung Quốc, Financial Times đưa tin hôm 30/11.
Về phần mình, chính quyền ông Trump đang tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc với các động thái nhằm ngăn các công ty lớn nhất của nước này tiếp cận công nghệ Mỹ. Các quan chức cấp cao cũng tăng cường đến thăm châu Á trước lễ nhậm chức của ông Biden vào tháng 1.
Cựu ngoại trưởng Anh Malcom Rifkind cho biết: "Nếu Trung Quốc đối mặt với bất kì quốc gia đơn lẻ nào, bao gồm cả những nước khá mạnh như Hàn Quốc, Thái Lan hay thậm chí Nhật Bản, Trung Quốc vẫn sẽ chiếm ưu thế. Nhưng trong thế giới thật khi có một tình thế như vậy, các quốc gia yếu thế sẽ bắt tay với nhau để tạo ra cách ứng phó phối hợp".
Theo Bloomberg, một phần lí do Trung Quốc phản ứng mạnh với Australia là để thỏa mãn người dân trong nước. Tờ Tân Hoa Xã (Xinhua) đăng bài bình luận gọi việc Thủ tướng Morrison yêu cầu Trung Quốc xin lỗi là "hoàn toàn phi lí".
Người dùng mạng xã hội Weibo và WeChat khen ngợi bà Hoa Xuân Oánh vì đã toát lên "phong cách của một cường quốc" trong những câu trả lời với giới nhà báo nước ngoài.
Australia đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Trung Quốc kể từ khi chính phủ nước này kêu gọi Bắc Kinh cho phép các đoàn điều tra độc lập tới Vũ Hán để tìm hiểu nguồn gốc COVID-19.
Ông Chen Hong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Úc tại Đại học Sư phạm Hoa Đông nhận xét: "Australia đã cố ý lặp lại chính sách chống Trung Quốc của Washington và phối hợp với các ý định chiến lược của Trump".
Hôm 1/12, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói rằng các nhà ngoại giao của bà đã trực tiếp bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về "bài đăng không thực tế" đính kèm ảnh lính Australia. Các nhà lập pháp ở Mỹ cũng lên án hành động của Trung Quốc, cựu chủ tịch Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith khuyến khích Anh làm nhiều hơn nữa để sát cánh với Australia, tờ Sydney Morning Herald đưa tin.
Các quan chức Australia nói rằng chính phủ của ông Morrison đang lên tiếng vì lợi ích của riêng mình chứ không phải vì Mỹ. Bản thân Thủ tướng Morrison cũng miêu tả Australia là bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sau khi kêu gọi Trung Quốc xin lỗi hôm 1/12, ông Morrison một lần nữa tìm cách bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh mà không cần có điều kiện.
Theo cựu quan chức ngoại giao Australia Natasha Kassam, cuộc tranh cãi hiện tại đã khiến thái độ chống Trung Quốc ở Australia trở nên mạnh mẽ hơn, đến mức thậm chí các nhóm kinh doanh đã ngừng thúc đẩy để mối quan hệ hai bên. Đồng thời, bà nói rằng khả năng Trung Quốc xin lỗi Australia là điều "không thể tưởng tượng được".