Thưa PGS, vì sao Hồ Gươm có thể biến thành đầm lầy trong vài chục năm tới nếu không nạo vét?
Những vùng trũng là nơi tụ thủy, gọi là các hồ. Trong quá trình diễn tiến môi trường kéo dài, các hồ sẽ biến thành đầm lầy rồi đất liền.
Xem lại lịch sử của Thăng Long, thế kỷ 15, bản đồ Hồng Đức, thấy rằng 70-80% kinh thành Thăng Long khi ấy là sông, hồ. Muốn vào Thăng Long phải đi bằng thuyền nên GS Trần Quốc Vượng (nhà sử học nổi tiếng –PV) gọi là cửa nước.
Thế kỷ 17, học giả phương tây miêu tả cảnh trên bến xuống thuyền ở phố Hàng Buồm, trên sông Tô Lịch. Dòng sông này bắt nguồn từ phố Chợ Gạo đi dọc Hàng Buồm, Hàng Lược đến Phan Đình Phùng, Thụy Khuê rồi lên Hoàng Quốc Việt…. Giờ sông Tô Lịch gần như chết, đoạn chảy quy Thụy Khuê đã biến thành mương Thụy Khuê.
Hà Nội sau này, năm 1956, sông, ao, hồ vẫn còn rất nhiều. Bản đồ năm 1956 cho thấy khu vực Khâm Thiên, Văn Chương, Quốc Tử Giám, quận Đống Đa có đến 40-50% là hồ, ao. Bản đồ năm đấy chưa có tên hồ Ba Mẫu bởi lúc đấy hồ này vẫn là một phần của hồ Bảy Mẫu. Ngay gần Hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) còn có một hồ khác là Hồ Thiền Quang dưới, nay cũng không còn.
Về Hồ Gươm, lịch sử trước nữa chưa rõ nhưng từ năm 1970 còn đua thuyền rồng, lướt ván, chứng tỏ hồ rất sâu. Bây giờ chỉ còn hơn mét nước. Hồ đang cạn dần. Cứ đà này vài chục năm nay, Hồ Gươm có thể biến thành đầm lầy. Vì thế việc nạo vét Hồ Gươm là rất bức thiết. Tôi đã nhiều lần đề cập vấn đề này.
Thưa PGS, nhiều chuyên gia lo ngại, việc nạo vét Hồ Gươm có thể làm mất đi hệ sinh thái độc đáo của hồ?
Việc nạo vét hồ là cần thiết nhưng nạo vét như nào để bảo tồn hệ sinh thái là việc cần bàn bạc kỹ lưỡng.
Dù cụ rùa không còn nhưng Hồ Gươm vẫn còn hệ vi tảo độc đáo, trong đó có nhiều chủng tảo đặc hữu, chỉ có ở Hồ Gươm. Theo thống kê có khoảng 130 chủng tảo khác nhau ở Hồ Gươm, trong đó có tảo lục- chủng tạo đặc hữu làm cho nước Hồ Gươm có màu xanh lục đặc trưng. Ngoài ra, tảo lam cũng có nhiều trong hồ, loại tảo này gây nhiều độc tố khi chết.
Vì thế, khi làm phải cân nhắc, xem xét kỹ lượng để làm sao ít ảnh hưởng nhất đến hệ vi tảo, tỷ lệ tảo lục, tảo lam trong hồ để đảm bảo màu xanh lục đặc trưng của Hồ Gươm. Nếu mất màu xanh lục thì cũng mất nét đặc trưng của Hồ Gươm.
Vậy theo PGS, cần làm như nào ạ?
Không nên nạo vét một lần rồi xong. Khi làm có thể chia làm 3 giai đoạn. Làm xong rồi nghỉ để theo dõi biến động các chỉ tiêu môi trường như nào rồi mới cho làm tiếp. Trước khi làm phải có đánh giá tác động môi trường, đánh giá này phải theo các số liệu mới nhất chứ không theo các số liệu cũ.
Chuyện nữa, việc dùng Redoxy-3C của Đức cũng cần thận trọng. Chế phẩm này đã cải tạo một số hồ ở Hà Nội và cho kết qua tốt, giúp làm sạch hồ và trong nước. Tuy nhiên, với Hồ Gươm không hề đơn giản vì có hệ vi tảo đặc hữu. Vì vậy phải làm thí điểm ở diện tích nào đấy để theo dõi biến động của hệ vi tảo. Quá trình làm cũn cần bổ sung nước.