Thị trường chưa thể hồi phục
Chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19, thị trường BĐS Việt Nam đã có 1 quí hoạt động không hiệu quả, các phân khúc đều “ngấm đòn”.
Cụ thể, trong quí 1/2020, hàng trăm sàn giao dịch BĐS trên cả nước đã phải đóng cửa; các dự án BĐS không bán được hàng do phải giãn cách xã hội; phân khúc bán lẻ, văn phòng, khách sạn thì không có người thuê,...
Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho rằng, sự suy yếu của thị trường BĐS chỉ là nhất thời và sẽ hồi phục ngay lập tức, sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, Chính phủ cũng đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội vào ngày 23/4. Các trung tâm thương mại, sàn giao dịch BĐS, một số dự án đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Dù đánh giá đây là tín hiệu tích cực song ông Đính cho rằng, hiện còn quá sớm để nhận định thời điểm hồi phục của thị trường.
“Tôi hy vọng, Việt Nam có thể kiểm soát dịch Covid-19 trong quí II/2020. Nếu điều này xảy ra, thị trường BĐS sẽ bật dậy ngay lập tức. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài tới hết quí 3 hay tới cuối năm, nhiều khả năng nền kinh tế sẽ giảm xuống mức âm, điều này sẽ giảm bớt đi lực cầu ở phân khúc BĐS cao cấp, giá trị lớn. Các phân khúc còn lại ít bị ảnh hưởng hơn” - ông Đính nhận định về thời điểm hồi phục của thị trường BĐS.
Nhà ở sẽ bật đáy mạnh nhất?
Mới đây, nhiều công ty nghiên cứu BĐS đã có báo cáo thống kê về tình hình thị trường trong quí đầu tiên của năm 2020. Hầu hết, các bản báo cáo đều nhận định, phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ hồi phục nhanh nhất, sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Phủ nhận quan điểm này, ông Đính cho rằng phân khúc liên quan tới nhà ở, ví dụ như nhà phố, đất nền, chung cư mới là sản phẩm có sức bật mạnh nhất. Đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, các căn hộ từ dưới 2 tỉ đồng và đất nền ở vùng ven các thành phố lớn.
Vị chuyên gia này giải thích: “Hiện tại, nhu cầu mua nhà ở của người dân vô cùng lớn. Chỉ tính riêng Hà Nội, số người có nhu cầu mua nhà có thể lên tới hàng vạn hộ dân. Trong khi đó, nguồn cung chưa tương xứng. Vì vậy, nhà ở sẽ là sản phẩm chủ đạo sau khi kết thúc dịch Covid-19”.
Bên cạnh sự mất chênh lệch giữa cung và cầu, phân khúc nhà ở còn nhận được hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ. Ngoài gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỉ đồng, phân khúc nhà ở được hưởng lợi thêm gói hỗ trợ 3.000 tỉ đồng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Mặc dù đang rơi vào cảnh trầm lắng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, tuy nhiên, trong quí vừa qua, thị trường đã có chút khởi sắc nhờ Thông tư 21 của Bộ Xây dựng, cho phép xây dựng căn hộ diện tích tối thiểu là 25m2.
Giới chuyên gia nhận định, Thông từ 21 sẽ là một cú hích giúp thị trường quay trở lại mạnh mẽ.
“Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, tôi chắc chắn, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các doanh nghiệp sẽ có sức bật rất mạnh, tiếp tục hoạt động kinh doanh sản xuất và tạo ra nguồn cung cho xã hội” - ông Đính nói.
Đối với BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, ông Đính cho rằng, phân khúc này hồi phục chậm hơn nhà ở một chút. Bởi vì, sau dịch bệnh, người dân phải ưu tiên cho việc hồi phục kinh tế, sau đó họ mới nghĩ tới chuyện hưởng thụ.