Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long đồng bộ, hiện đại. Phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm xung quanh vấn đề này.
- Thứ trưởng có thể đánh giá hiện trạng hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm: Hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 4 phương thức vận tải; trong đó thế mạnh là giao thông đường thủy, sau đó là đường bộ, hàng hải và hàng không.
Qua tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020 cho thấy, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống đường bộ đang được đầu tư với chiều dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đặc biệt, chương trình xóa "cầu khỉ” đã được đẩy mạnh trong suốt thời gian qua với nhiều nguồn vốn khác nhau.
Hệ thống cảng thủy nội địa và nâng cấp luồng lạch các tuyến sông chính hiện đã hoàn thành nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cấp giai đoạn 1 kênh Chợ Gạo.
Hạ tầng cảng biển đã và đang được đầu tư theo nhu cầu vận tải của khu vực, hoàn thành việc đầu tư, nâng cấp cảng Cần Thơ, Hòn Chông và các cảng nằm dọc trên tuyến vận tải chính của sông Tiền, sông Hậu.
Về hàng không, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc; cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá đã được nâng cấp với tổng công suất 7,45 triệu khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm.
Về đường sắt, hiện đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Mỹ Tho-Cần Thơ, dự kiến kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm tăng cường kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Vậy đâu là điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cần được tháo gỡ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm: Thực tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long dù đã được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư, tuy nhiên kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Đường bộ còn nhỏ hẹp, nhiều tuyến mới chỉ được láng nhựa, vì thế chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, đặc biệt là đòi hỏi về vận tải hành khách, hàng hóa với thời gian nhanh, chất lượng cao, đường bộ cao tốc trong vùng đến thời điểm này mới có gần 100km
Vùng chưa có cảng biển nước sâu để có thể làm đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực và đi các tuyến biển xa…; chưa phát huy được lợi thế tự nhiên của hệ thống đường thủy nội địa, tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế…
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ, hạ tầng giao thông vận tải vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế và trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân chủ yếu do đặc điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền địa chất yếu, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do đó, suất đầu tư xây dựng cao so với các khu vực khác trên cả nước.
Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm bố trí nguồn lực không nhỏ cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được rất ít công trình. Ví dụ làm một con đường nhưng mất rất nhiều kinh phí để xử lý nền đất yếu. Do đó, số lượng km đường hay công trình giao thông như cầu cống…ít hơn so với khu vực khác. Vì thế, việc đi lại, lưu thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn rất khó khăn.
- Để thực hiện thành công Nghị quyết 13-NQ/TW, Bộ Giao thông Vận tải cần thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp gì để hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm: Để thực hiện thành công Nghị quyết 13-NQ/TW, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sau:
Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, đánh giá, căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền; trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng quy hoạch tốt nhất. Đây là lần đầu tiên triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia, là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.
Về đường bộ, sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 3 trục dọc và 3 trục ngang cùng với 33 tuyến quốc lộ dài khoảng 3.611km, đảm nhận vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối với các tuyến cao tốc xương sống chính của vùng.
Về hàng hải, sẽ xây dựng cơ chế chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển trong khu vực để phát huy tiềm năng lợi thế. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đã hoạch định xây dựng cảng biển nước sâu khu vực Trần Đề trở thành cảng đầu mối để xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng đi các tuyến biển xa.
Trong khi đó về đường thủy nội địa, đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa chính, hiện đại hóa thiết bị bốc dỡ các cảng sông, xây dựng các bến tàu khách quốc tế phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch của vùng.
Đối với hàng không, các cảng hàng không trong vùng sẽ được đầu tư, nâng công suất từ 7,45 triệu hành khách/năm hiện nay lên 18,5 triệu hành khách/năm; bổ sung vào quy hoạch thành phố Cần Thơ kho hàng hóa, trung tâm logistics tại cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa có giá trị cao, thời gian ngắn.
Về đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành tuyến đường sắt kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ.
Các quy hoạch chuyên ngành quốc gia này đã được tích hợp trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương sẽ tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Do vậy, cùng với hệ thống giao thông của địa phương, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, là tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải xác định, huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức. Đồng thời, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác.
Các địa phương trong vùng cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng.
Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 để tập trung huy động nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng của quốc gia trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trong khu vực; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Khi xây dựng các công trình hạ tầng mới, đặc biệt là các công trình đường bộ cao tốc, cần đi xa các tuyến đường cũ để tạo thêm không gian mới, làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng, khai thác quỹ đất hình thành từ hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tái đầu tư phát triển.
Với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng sẽ được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 13-NQ/TW trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Về kế hoạch và nguồn lực thực hiện, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí vốn để triển khai 27 dự án trong vùng với tổng mức đầu tư khoảng 156.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu cho các dự án giao thông sẽ khoảng 134.700 tỷ đồng.
Với dự kiến đầu tư như trên, giai đoạn đến năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 448km đường bộ cao tốc; giai đoạn đến năm 2030, có khoảng 658km đường bộ cao tốc; 4 cảng hàng không với công suất 18,5 triệu hành khách/năm; hình thành khu bến cảng đầu mối, cửa ngõ của vùng tại khu vực cửa Trần Đề và hệ thống các cảng biển và cảng thủy nội địa.