Nhưng ít ai biết rằng để có được thành tích tuyệt vời đó, chàng trai khuyết tật Lê Văn Công đã sống một cuộc sống đầy khó khăn nhưng chàng trai gốc Hà Tĩnh luôn nỗ lực để vượt lên số phận…
Từ tuổi thơ khốn khó...
Thành công với mức tạ 183kg, Công đã xô đổ mọi lỷ lục hạng cân 49kg. |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ thuộc xã Mỹ Hạnh Nam – Long An, đô cử sinh năm 1984 bắt đầu câu chuyện về đời mình như những thước phim cổ tích đầy lôi cuốn.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh, Công là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em, cũng là người khuyết tật duy nhất trong nhà. Công kể, ngày trong bụng mẹ cả vùng có dịch sốt xuất huyết và mẹ Công không may nhiễm bệnh nên khi sinh ra đã bị teo nhỏ hai chân.
Tuy khuyết tật nhưng Công không để ý nhiều đến những khác biệt đó, cậu vẫn xin tham gia những trận bóng, leo trèo từ cây này qua cây khác như bao đứa trẻ hiếu động cùng tuổi. Khi đến tuổi đi học, chính Công là người xin cha mẹ cho mình được đến lớp cùng chúng bạn.
Học được vài tháng Công lại xin nghỉ vì bị bạn bè chọc suốt. “Nghỉ ở nhà vài ngày thấy nhớ trường, thầy cô và bạn bè nên Công gác mặc cảm để đến trường. Đó cũng là lúc mình nhận ra sự khác biệt với người khác nhưng không hiểu sao lại không buồn mà ý chí rất muốn vươn lên”, Công cười hiền nhớ lại.
Đến tuổi trưởng thành, nhìn làng quê nghèo khó, người lành lặn còn khó khăn để tìm việc làm nên Công quyết định rời gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp. Theo Công đó là chuyến đi liều lĩnh vì cho đến giờ đôi khi nghĩ lại bản thân anh vẫn cảm thấy “lạnh xương sống”.
Đô cử Lê Văn Công còn là một thợ điện tử lành nghề. |
Vào Sài Gòn, Công xin học ở Trường Cao Đẳng Kỹ Nghệ 2 (Quận 9) với nghề Điện tử. Vừa học, anh còn xin đi làm thêm tại các xưởng mộc với việc chà nhám sản phẩm để có tiền trang trải cuộc sống. Sau một thời gian thạo nghề điện tử, Công chuyển qua làm thêm tại các cơ sở sửa chữa điện tử của các thầy trong trường.
Và cũng từ những ngày đầu chịu khó ấy mà hiện nay Công cùng một người thầy cũ mở cửa hàng kinh doanh và sửa chữa điện tử gần ngã Tư Bình Triệu – Thủ Đức. Những ngày không lên tuyển và thi đấu, Công vẫn ngược xuôi từ Long An lên Bình Triệu làm việc bằng chiếc xe ba bánh.
... đến vua giải thưởng
Công và huy chương vàng Paralympic 2016. |
Ngoài việc học, Công tham gia câu lạc bộ người khuyết tật thành phố để giao lưu với các bạn cùng cảnh ngộ. Và cũng chính chủ nhiệm CLB là người giới thiệu Công đến với thể thao. “Ngày đó, anh Chung – Chủ nhiệm CLB động viên anh em tham gia một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe và tinh thần. Vốn hiếu động và mê thể thao nên mình tham gia ngay, rồi không hiểu sao lại chọn cử tạ mà không phải một môn nào khác”.
Chỉ sau vài ngày tập luyện, HLV Nguyễn Văn Phúc (hiện nay vẫn là HLV của Công trên tuyển) nhận ra nơi cậu học trò nhiều tố chất của nhà vô địch tương lai nên đã tận tình hướng dẫn. Riêng Công, càng tập anh càng thích thú và luôn hoàn thành hết giáo án thầy đề ra dù hôm ấy bụng đói kêu ro ro, hay đang dính chấn thương.
Rồi khi được chọn thi đấu, Công tập hăng hơn. Trước giải, sáng Công từ Bình Triệu đẩy xe lăn lên Nhà thi đấu (NTĐ) quận Tân Bình để tập, trưa lại lủi thủi đẩy xe về, chiều tiếp tục lăn xe từ nhà lên NTĐ Phú Thọ để tập thêm. “Do mình mới tập có mấy tháng mà được chọn thi đấu nên phải cố gắng nhiều. Ngày đó, mình tập không bị chai tay nhưng lăn xe đi tập thì hai tay chai sần”, Công cười sảng khoái.
Nỗ lực của Công đã được đền đáp ngay giải đấu đầu tiên, đó là chiếc HCB tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2005. Thành công tiếp nối, ngay lần xuất ngoại đầu tiên đô cử có nụ cười hiền đã dành HCV ASEAN Para Games 2007. Để rồi chỉ trong một thời gian ngắn, cái tên Lê Văn Công là nỗi ám ảnh của các đô cử trong nước và khu vực ở hạng cân 49kg.
Sự nghiệp đang lên thì vào một chiều mưa năm 2010, nước ngập cao, Công và chiếc xe máy chui thẳng vào lỗ cống không nắp đậy đoạn gần cầu Thị Nghè. Vai anh đập vào miệng cống đứt dây chằng, anh nằm luôn tại chỗ, mãi một lúc sau mới có người kéo anh và xe lên khỏi miệng cống.
Sau tai nạn ấy, 6 tháng đầu tiên cánh tay đã từng nâng hàng trăm ký chỉ có thể đưa lên đưa xuống một cách chậm rãi và tất nhiên là không thể cầm vật nặng. Bác sĩ khuyên anh bỏ thể thao để giữ cánh tay. Với Công thời điểm đó gần như suy sụp, anh luẩn quẩn trong góc nhà, tuyệt vọng và buông xuôi.
Luôn nghĩ về phía trước và nỗ lực hết mình đã giúp Công đạt nhiều thành tích cao. |
Nhưng rồi khi nghĩ gia đình với đứa con thơ, rồi tương lai và những người thân đã tin tưởng nơi anh, một ý chí mạnh mẽ trỗi dậy nơi chàng trai tật nguyền này. Công kiên nhẫn tập vật lý trị liệu và làm quen lại với những quả tạ. Sau hai năm chữa trị, Công gõ cửa xin thầy tập lại. Lúc đầu ai cũng ái ngại nhưng vẫn để Công thử và rồi anh đã làm được.
Theo nhiều người từ các bác sĩ, HLV với Công là một trường hợp đặc biệt: trở lại mạnh mẽ hơn sau chấn thương. Nếu trước chấn thương ít khi Công vượt qua mức 160kg thì nay anh luôn ở mức 180 – 185kg trong tập luyện, điều mà gần như không một động viên nào làm được sau thời gian dài chấn thương.
Rồi khi đặt chân đến Rio, Công mất ngủ do lệch múi giờ nên bị giãn cơ vai. Lúc lên thi đấu trước đối thủ quá mạnh lại đang hưng phấn cả đoàn ai cũng lo lắng. Nhưng Công đã làm được, anh vượt qua đối thủ một cách thuyết phục và phá luôn kỷ lục thế giới và Paralympic với mức tạ 183kg. “Lúc đó, tôi quên hết mọi thứ chỉ tập trung vào việc mình giỏi nhất là đẩy tạ. Rồi khi biết mình vô địch tôi đã rất sung sướng. Cảm giác đó thật sự không biết diễn tả như thế nào nhưng tôi sẽ nhớ mãi giây phút tuyệt vời đó”, chàng đô cử chân thành kể lại.
Năm 2005, sau 2 năm tập luyện, Lê Văn Công đã giành HCV hạng cân 48 kg tại ASEAN Para Games 2007 với thành tích 152,2 kg. Sau khi mất 2 năm để điều trị chấn thương từ năm 2011 đến 2013, Lê Văn Công đã liên tục gặt hái thành công khi 3 lần phá kỷ lục thế giới và đoạt HCV tại ASEAN Para Games 2014 (180 kg và 181,5kg), giải vô địch châu Á 2015 (182kg). Năm 2016, vô địch Paralympic 2016. |
Kỳ tới: Người phụ nữ thầm lặng sau nhà vô địch