Thị trường bất động sản khắp từ Bắc chí Nam như đang quay cuồng trong cơn sốt đất quy mô rộng chưa từng có, nhiều nhà đầu tư "đứng ngồi không yên".
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng trong hai tháng đầu năm 2021. Trong đó, có những khu vực, dự án, giá đã tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020.
Trước đó, nhiều địa phương cũng đã có quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm 2021 để áp dụng thực hiện. Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15 - 20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.
Theo một số phản ánh, “Bảng giá đất mới tại nhiều địa phương được điều chỉnh tăng” đã làm tăng giá bất động sản, gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Đào Trung Chính, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT khẳng định, việc này là không chính xác vì theo quy định của Luật Đất đai 2013, Bảng giá đất do các địa phương công bố, áp dụng trong 5 năm, trong trường hợp đặc biệt, thị trường thay đổi lớn mới phải điều chỉnh.
“Hiện nay, các địa phương đang sử dụng Bảng giá đất từ năm 2020 đến hết năm 2024, tức là các địa phương đã thực hiện ổn định Bảng giá đất từ đầu năm 2020 (trừ tỉnh Lào Cai có điều chỉnh Bảng giá đất một số đoạn đường). Như vậy, giá các loại đất theo Bảng giá không tăng trong đầu năm 2021”, ông Chính nhấn mạnh.
Theo ông Đào Trung Chính, đầu năm 2021, việc giá đất tăng tại một số địa phương là do các nguyên nhân khác.
Cụ thể, thị trường bất động sản có dấu hiệu “ấm” trở lại do có nhiều quy hoạch mới (hệ thống sân bay, hệ thống giao thông) hoặc một số địa phương chuyển đổi từ huyện thành quận khiến bất động sản nhà ở của đô thị khởi sắc hơn.
Bên cạnh đó, xu hướng người dân đổ vốn vào bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng cũng làm tăng giá. Ngoài ra, do kiểm soát COVID-19 hiệu quả, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do dẫn tới có luồng dịch chuyển đầu tư quốc tế về Việt Nam. Trong khi đó, nguồn đất dành cho khu công nghiệp, khu chế xuất chưa mở rộng được nhiều cũng khiến giá đất tăng.
Còn theo Bộ Xây dựng, trường hợp chi phí về đất của một dự án bất động sản được căn cứ trực tiếp từ giá đất trong bảng giá đất được ban hành thì việc tăng giá đất khoảng 15 - 20% của các địa phương làm tăng giá thành bất động sản nhà ở khoảng 1,5 - 5%.
Tuy nhiên, đối với các dự án bất động sản thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chi phí về đất của dự án chịu tác động bởi giá đất của thị trường. Lúc đó, việc điều chỉnh bảng giá đất của địa phương chỉ có tác động gián tiếp.
Việc áp dụng khung giá đất, bảng giá đất mới tại các địa phương chưa lâu (sớm nhất là từ thời điểm 1/1/2020); các dự án được hoàn thành và có sản phẩm chào bán ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu là dự án thực hiện và áp dụng giá đất theo khung giá, bảng giá đất trước đó.
Do vậy, việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây cũng chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án tại các địa phương trong năm 2020 và thời gian qua.
"Mặc dù vậy, việc tăng giá đất cũng vẫn có phần tác động làm tăng giá bất động sản trong thời gian tới đặc biệt là giá nhà đất của người dân tại các khu vực hiện hữu", Bộ Xây đánh giá.