Phó thủ tướng: Đường sắt tốc độ 350 km/h cần 'thẳng nhất có thể'

Đường sắt tốc độ cao 350 km/h đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP HCM cần thẳng nhất có thể, gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Chủ trì làm việc với các bộ ngành về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sáng 25/9, ông Hà cho rằng ngoài phạm vi đầu tư từ điểm đầu dự án là TP Hà Nội đến điểm cuối tại TP HCM, các cơ quan cần xem xét, nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao từ địa đầu Móng Cái (Quảng Ninh) đến mũi Cà Mau.

Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội; đồng thời phân tích ưu điểm, lợi ích đầu tư toàn tuyến để kết nối đồng bộ với phương thức vận tải khác. "Cần đánh giá hiệu quả của đường sắt tốc độ cao chuyên vận chuyển hành khách hoặc kết hợp vận tải hàng hóa khi cần thiết đối với cả nền kinh tế, chứ không giới hạn trong ngành đường sắt", ông Hà nói.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp về triển khai đường sắt tốc độ cao, sáng 25/9. (Ảnh: Minh Khôi).

Bộ Giao thông Vận tải cũng cần nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù phân kỳ đầu tư; phân bổ nguồn vốn trung ương, địa phương; sử dụng trái phiếu, ODA và nguồn khác; tận dụng dư địa mức trần nợ công. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua sẽ được tăng phân quyền để chuẩn bị mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ga. Trung ương sẽ thống nhất quản lý quy chuẩn thiết kế, hạ tầng, phương tiện, hệ thống thông tin, điều hành; huy động doanh nghiệp tư nhân để giảm bớt chi phí, nguồn lực nhà nước.

"Cơ chế đặc thù đã áp dụng cho đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM, cần được xem xét áp dụng cho các địa phương có đường sắt tốc độ cao đi qua", Phó thủ tướng nói.

Các Bộ, ngành, doanh nghiệp sẽ cùng phối hợp triển khai lộ trình hiện đại hóa ngành đường sắt, với trọng tâm là tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một ngành đường sắt hiện đại, tự chủ, lấy phát triển đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị làm động lực để thúc đẩy công nghiệp cơ khí, chế tạo và tự động hóa trong nước.

Để chủ động nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ mới, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành đường sắt trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ được triển khai theo lộ trình cụ thể: phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2025, giải phóng mặt bằng và khởi công năm 2030, dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2045.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy. (Ảnh: Minh Khôi).

Tuần trước, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình kỳ họp thứ 8 khai mạc tháng 10.

Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.

Để tối ưu chi phí, tuyến đường sắt sẽ có khổ 1,435 m, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Tuyến đường chủ yếu vận chuyển hành khách; đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đường sắt Bắc Nam hiện hữu sẽ vận chuyển hàng hóa và du lịch chặng ngắn.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.