Phó Thủ tướng nói gì về đề xuất xây sân bay Sa Pa hơn 4.000 tỉ đồng?

Cảng hàng không Sa Pa dự kiến có qui mô 371 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo gì về đề xuất xây sân bay Sa Pa hơn 4.000 tỉ đồng? - Ảnh 1.

Phối cảnh cảng hàng không Sa Pa. (Ảnh: Bộ Giao thông vận tải)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Sa Pa (sân bay Sa Pa), tỉnh Lào Cai.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo ý kiến của các Bộ, trong đó lưu ý việc đáp ứng qui mô công suất theo qui hoạch và tính toán phân kì đầu tư, bảo đảm dự án khả thi, hiệu quả, đúng qui định của pháp luật.

Trước đó, tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng có ý kiến về chủ trương đầu tư dự này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo, thực hiện việc tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án theo thẩm quyền; thống nhất với các bộ, ngành và cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đúng qui định pháp luật.

Theo tìm hiểu, tháng 4/2019, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.

Theo đó, sân bay thuộc cấp 4C có qui mô 371 ha với tổng mức đầu tư 5.900 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là trên 3.000 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 910 tỉ đồng, vốn do Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam hơn 131 tỉ đồng.

Còn lại 1.770 tỉ đồng được kêu gọi từ tư nhân (xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không) do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng BOT. Theo kế hoạch, sân bay này sẽ khởi công trong năm 2019, hoàn thành vào 2021.

Tháng 11/2019, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh qui hoạch Cảng hàng không Sa Pa giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng đất của sân bay Sa Pa đến năm 2030, có dự trữ phát triển sau năm 2030 là 371 ha. Trong đó, diện tích sử dụng chung hơn 160 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng hơn 141 ha.

Đến tháng 5/2020, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan việc đầu tư xây dựng dự án. Đáng chú ý, tổng mức đầu tư dự kiến để xây sân bay lúc này chỉ còn khoảng 4.200 tỉ đồng, giảm 1.700 tỉ đồng so với phương án trước đó.

Thời gian hợp đồng dự án là 50 năm. Trong đó, thời gian xây dựng dự kiến 4 năm. Thời gian vận hành, khai thác và thu phí hoàn vốn là 46 năm.

Theo Qui hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, sân bay Sa Pa được đưa vào khai thác có cấp 4C và công suất 3 triệu khách/năm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.