Xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là khâu “đột phá” trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Phú Thọ đang quyết liệt đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đảm bảo đúng quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Xác định điểm nghẽn
Tình trạng khó khăn trong giải phóng mặt bằng đang xảy ra ở không ít dự án trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, khiến cho nhiều nhà đầu tư phải lùi tiến độ triển khai dự án và làm ảnh hưởng không nhỏ môi trường đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trung tâm dịch vụ khách sạn quốc tế Wyndham Thanh Thủy là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh triển khai xây dựng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã gây khó khăn cho các bước tiếp theo của dự án.
Hiện nay, vẫn còn một số hộ dân đòi được đền bù với giá cao hơn; đòi hỗ trợ lãi suất sản xuất nông nghiệp, khiếu kiện mất an ninh trật tự. Nhiều hộ dân mặc dù đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa nộp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Minh Tường- Bí thư Huyện uỷ Thanh cho biết, nguyên nhân là do trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng của dự án chưa chặt chẽ, dẫn đến sự so sánh giữa các hộ chấp thuận nhận đền bù trước và sau.
Một số hộ dân chưa đồng thuận, đưa ra nhiều đòi hỏi cao hơn, gây khó khăn cho việc đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện nay, huyện vẫn đang cùng với các bên liên quan tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trên.
Theo ông Quách Hữu Điệp, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thị xã Phú Thọ, việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng tại khu công nghiệp Phú Hà cũng gặp không ít khó khăn.
Hơn nữa, tình trạng một số hộ người dân yêu cầu giá bồi thường cao hơn giá theo quy định của nhà nước; chưa đồng ý nhận tiền đền bù hoặc đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng đã khiến cho tiến độ thi công một số hạng mục của dự án chậm so với kế hoạch.
Cùng với đó, không ít hộ dân chưa đồng ý kiểm kê nhà cửa, vật kiến trúc và đất nông nghiệp; tự ý cơi nới công trình, vật kiến trúc trên diện tích đất đã quy hoạch... gây khó khăn đến việc bù giải phóng mặt bằng của dự án trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn-Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, một trong những “điểm nghẽn” lớn trong giải phóng mặt bằng là do việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết để áp dụng cho từng dự án.
Ngoài ra, giá đất nông nghiệp phân biệt theo vị trí, địa giới hành chính dẫn tới tình trạng cùng là dự án nhà nước thu hồi đất nhưng thửa đất thuộc thị trấn lại có mức bồi thường khác với với thửa đất liền kề nhưng thuộc địa phận xã lân cận. Đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng người dân tại nhiêu dự án không chấp thuận phương án đền bù khi thu hồi đất.
Theo Sở kế hoạch và Đầu tư, xác định “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng chủ yếu là do cơ chế, chính sách về thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng đôi khi chưa đồng bộ nên quá trình vận dụng vào thực tế còn bất cập.
Không ít cán bộ trực tiếp làm về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng măt bằng còn hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong xử lý các tình huống; có lúc chưa nhiệt tình dẫn đến chất lượng thực hiện công việc kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa một số chủ đầu tư với huyện, thị có lúc có nơi thiếu chặt chẽ, một số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Tháo gỡ vướng mắc
Phú Thọ xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính, trọng tâm trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2021- 2025, tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực.
Ngay sau khi được thành lập, Ban chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc giám sát, kiểm điểm hằng tuần đối với giải phóng mặt bằng; phân công trách nhiệm cho từng thành viên để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đồng thời, nhất quán quan điểm, thực hiện giải phóng mặt bằng theo nguyên tắc đúng quy trình ngay từ đầu, đảm bảo công khai, minh bạch các quy định pháp luật về đất đai và công khai các phương án, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, tăng cường giám sát, phản biện, kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế chính sách, những vấn đề chưa thỏa đáng trong phương án giải phóng mặt bằng để giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, việc giải phóng mặt bằng đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền.
Trong năm 2021, tỉnh Phú Thọ đã thu hồi được trên 660 ha đất sạch; trong đó, có khoảng 200 ha tại các khu công nghiệp để bàn giao cho các nhà đầu tư. 19 dự án trọng điểm đã tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo sự hài lòng cho các nhà đầu tư.
Đáng lưu ý, hàng loạt các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn T&T; Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tuần Châu, Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô… cùng rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác đã triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.
Nhiều dự án lớn được bàn giao mặt bằng sạch đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công và về đích như: Nhà máy điện tử BYD Việt Nam giai đoạn 1, Khu Công nghiệp Phú Hà; Trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy; dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Hùng Vương, dự án cải tạo sửa chữa sân vận động Việt Trì... mở ra triển vọng phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế-xã hội mà tỉnh đã đề ra trong năm 2022.
Nhờ những nỗ lực trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng sự quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư vào tỉnh Phú Thọ tăng cao những năm gần đây.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, Phú Thọ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 86 dự án; trong đó, có 12 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 19.495 nghìn tỷ đồng và 800 triệu USD.
Con số này đã đưa Phú Thọ vươn lên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Dự kiến trong 2022, tỉnh Phú Thọ sẽ thu hút từ 20- 30 dự án đầu tư trọng điểm, vốn đăng ký 20- 25 nghìn tỷ đồng; trong đó, đầu tư FDI 10-12 nghìn tỷ đồng, tương đương từ 500- 600 triệu USD.
Để phục vụ các nhà đầu tư tỉnh Phú Thọ phấn đấu năm 2022 sẽ giải phóng từ 800-1.000ha quỹ đất sạch để triển khai các dự án, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025.