Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần giảm 19% so với cùng kỳ về 2.614 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cung cấp dịch vụ giảm mạnh nhất với tỷ lệ giảm 25%.
Đây đồng thời là mức doanh thu quý thấp nhất trong vòng một thập kỷ hoạt động của doanh nghiệp.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn doanh thu thuần nên biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 6% lên 7%.
Dù hụt thu tài chính, chi phí quản lý tăng nhưng nhờ có khoản lợi nhuận khác và doanh nghiệp điều tiết được chi phí bán hàng nên cả quý, PVS lãi sau thuế 164 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của doanh nghiệp, biến động lợi nhuận sau thuế quý I do phần lãi của các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO, FPSO) khi hợp nhất vào kết quả kinh doanh quý I của tổng công ty cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, PVS đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng. Với kết quả trên thì doanh nghiệp đã thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021.
Trong một báo cáo phát hành vào tháng 3, SSI Research cho rằng dù doanh thu của mảng M&C (dịch vụ cơ khí và xây lắp) dự báo giảm 42% so với năm trước, nhưng lợi nhuận từ các công ty liên kết cải thiện (lợi nhuận bổ sung từ FSO Sao Vàng và không phát sinh thêm chi phí cho MV12) sẽ hỗ trợ lợi nhuận sau thuế của PVS.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng kỳ vọng giá dầu phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 sẽ giúp tăng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của các mảng khác cho PVS.
Phía SSI Research cũng lưu ý rằng chỉ tính giá trị hợp đồng còn lại từ các dự án đang triển khai như LNG Thị Vải và Đại Nguyệt WHP trong ước tính năm 2021, điều này cho thấy có thể có tiềm năng gia tăng cho ước tính năm 2021 nếu PVS có thể giành được các hợp đồng EPC mới đang được đấu thầu. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ xác nhận nào về hợp đồng EPC mới.
Kết thúc quý I, tổng tài sản của PVS là 24.601 tỷ đồng, giảm 1.679 tỷ đồng so với đầu năm, mức giảm chủ yếu đến từ khoản tiền, tiền gửi ngân hàng và khoản phải thu ngắn hạn.
Trong đó, tiền và tiền gửi ngân hàng dưới một năm hơn 7.494 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản.
Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả giảm hơn 1.832 tỷ đồng về 11.563 tỷ đồng, chủ yếu do giảm khoản phải trả người bán ngắn hạn. Tổng nợ đi vay hết quý l là 1.234 tỷ đồng, chiếm 5% tổng nguồn vốn.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 13.037 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 4.111 tỷ đồng.