Dự báo những vùng đất tiềm năng sau sáp nhập

Dưới góc nhìn của chuyên gia, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh hay Phú Quốc... là những thị trường có nhiều tiềm năng, dư địa sau khi sáp nhập tỉnh thành.

PGS.TS Trần Đình Thiên. (Ảnh: Di Anh). 

Với Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, lần đầu tiên trong lịch sử, khu vực kinh tế tư nhân đã được định danh rõ ràng với vai trò là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. 

Tại Diễn đàn Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới vừa tổ chức, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng nhìn nhận, đây là cả một hành trình kéo dài xuyên suốt 40 năm. 

Nhìn lại quá khứ, năm 1986 được xem là cột mốc đổi mới khi kinh tế tư nhân được thừa nhận. Song, phải tới năm 2011, kinh tế tư nhân mới được coi là một động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế. Và đến năm 2025, kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng nhất.

Giữa bức tranh chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng trải qua nhiều thăng trầm khi lặp lại nhiều lần kịch bản sốt đất - đóng băng - hồi phục. 

Giờ đây, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, theo chuyên gia, ngành địa ốc đang đứng trước cơ hội lịch sử. Ngoài việc kinh tế tư nhân được cởi trói, cơ hội này còn đến từ nhiều yếu tố khác như sáp nhập tỉnh, thành, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp giúp tinh gọn bộ máy, sẽ có sàn giao dịch nhà đất. 

“Thị trường bất động sản sẽ bùng nổ”, ông Thiên đưa ra dự báo song cũng lưu ý kịch bản mới là không dễ hình dung. Cơ hội là rất lớn, song ngành địa ốc còn phải đối mặt với cả những rủi ro như áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản gia tăng; cải cách thể chế - bộ máy có thể gặp trục trặc về quy trình, chi phí chuyển đổi cao; rủi ro về hồ sơ giấy tờ; cạnh tranh quốc tế trở nên khó đoán;... 

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phân tích, việc tinh gọn bộ máy hành chính, sáp nhập địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp địa ốc nói riêng được hưởng lợi từ việc rút gọn quy trình thủ tục. 

Cùng với đó, việc toàn bộ hệ thống chính trị thay đổi tư duy, xác định rõ các vấn đề cần đổi mới cũng như vai trò của nhà nước, của tư nhân chính là cơ hội mở ra cho bất động sản. 

Kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, việc phát triển của đất nước cần tới một số doanh nghiệp lớn. Họ có thể sẵn sàng lao vào cuộc chơi mới, hình thành các siêu đô thị quy mô lên tới hàng chục ngàn hecta.

"Với cuộc chơi sắp tới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đồng hành cùng các "cá mập" để phụ trợ, từ đó xây dựng nội lực lớn dần", ông Đính nói.   

Định vị lại bản đồ đầu tư

(Ảnh minh hoạ: Hạ Vũ). 

Theo các chuyên gia, việc sắp xếp lại giang sơn không chỉ giúp các địa phương mở rộng không gian địa lý mà còn là cơ hội phát triển khi mọi yếu tố đều được cộng hưởng với nhau. 

Bàn về vùng đất tiềm năng sau sáp nhập, ông Lê Xuân Nga, Tổng Giám đốc BHS Property dự báo, những địa phương có sức tụ dân lớn, đáp ứng đầy đủ các yếu tố thuận lợi về giao thông, việc làm, giáo dục, y tế… sẽ thu hút cả người dân đến sinh sống lẫn nhà đầu tư bất động sản tìm đến. 

“Nhiều năm làm nghề, tôi thấy bất cứ khi nào đất nước có sự thay đổi về địa lý thì đều là cơ hội cho bất động sản. Và lâu lắm rồi thị trường mới xuất hiện một sự kiện lớn như thế này về sáp nhập tỉnh, thành. Có thể nói đây là cơ hội rất lớn”, vị này nói.

Lãnh đạo BHS Property điểm mặt một số địa phương có khả năng trở thành điểm nóng trong thời gian tới như Cần Giờ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương (nay là TP HCM); Thái Bình, Hưng Yên (nay là tỉnh Hưng Yên); Hà Nam, Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình). 

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Group dự báo những vùng đất tiềm năng sẽ là Hải Phòng, Quảng Ninh (lợi thế giá đất nhiều nơi còn mềm, có dự án lớn của Vingroup tại Dương Kinh, Quảng Yên); Đà Nẵng, Quảng Nam (nay là Đà Nẵng, có lợi thế sân bay, cảng biển, công nghiệp, du lịch, khí hậu).

Ngoài ra còn Phú Quốc với lợi thế về du lịch, khí hậu, giá đất còn rẻ và nhất là đang đề xuất có đề xuất miễn visa 5 - 10 năm cho người nước ngoài mua nhà tại đây. 

Còn theo ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến các thị trường như Hưng Yên, Bắc Ninh khi có lợi thế mạnh về phát triển công nghiệp.

Tiếp đến là Quảng Ninh và Hải Phòng, 2 địa phương được kỳ vọng sẽ có bước tiến lớn trong giai đoạn 2025 - 2026. Ông Chung đánh giá, thị trường Quảng Ninh đã ngủ quên trong khoảng 4 trở lại đây, còn Hải Phòng vừa trải qua một năm 2024 phát triển huy hoàng.  

“Nhìn chung từ sau năm 2022, nhu cầu đầu tư chủ yếu tập trung vào các sản phẩm bất động sản tạo dòng tiền, có thể cho thuê, kinh doanh và bất động sản đô thị phục vụ nhu cầu ở. 

Tôi thấy nhà đầu tư vẫn quan tâm khá nhiều đến thị trường phía Bắc, tập trung nhiều ở những địa phương có vị trí xung quanh Thủ đô. Khác với ngày trước, họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý FOMO mà có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về địa bàn đầu tư, về các chỉ số kinh tế, GDP, định hướng phát triển… của địa phương”, chuyên gia bổ sung.  

chọn
Chủ tịch Cen Group: Cuộc chơi bất động sản sắp tới sẽ nằm trong tay các ông lớn
Dưới góc nhìn của Chủ tịch Cen Group Nguyễn Trung Vũ, việc định giá đất cao hơn hàng năm khiến doanh nghiệp buộc phải bán bất động sản với giá cao hơn, khi đó các doanh nghiệp nhỏ không đủ lực sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Thị trường dần tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có uy tín, chỉ nhóm này mới đủ điều kiện tiếp cận nguồn lực đất đai, vay vốn ngân hàng.