(Ảnh minh họa: Hải Quân).
Sáng nay (21/2) diễn ra Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Thông tin tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay đạt 3,48 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Do đó, nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, sẽ lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.
Cũng theo Thống đốc, ngành ngân hàng đã phân bổ một phần nguồn lực tài chính cho tín dụng nhà ở, nhưng mức giải ngân 120.000 tỷ đồng vẫn còn hạn chế. Bà nhấn mạnh rằng không phải tất cả người có thu nhập thấp đều mong muốn vay vốn để mua nhà.
Do đó, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng cùng các địa phương đánh giá nhu cầu của người dân, bao gồm cả phương án mua, thuê hoặc thuê mua nhà, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp. Ngành ngân hàng cũng sẽ tập trung cấp tín dụng cho những người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
(Nguồn: NHNN, Hà Lê tổng hợp).
Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tính đến cuối năm 2023 đạt 2,89 triệu tỷ đồng. Như vậy vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này đã tăng thêm khoảng 590.000 tỷ đồng tính đến nay, tương đương với mức tăng trưởng hơn 20%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng ngân hàng luôn hỗ trợ nguồn vốn cho thị trường bất động sản nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản trên thị trường hiện hay đang sử dụng khoảng hơn 50% nguồn vốn tín dụng. Vì vậy, Nhà nước, các ngân hàng cần phải đưa ra những chính sách tích cực hỗ trợ, hạn chế những chính sách thắt chặt hay kiểm soát tín dụng quá đà.
Theo ông Đính, nếu sử dụng chính sách không phù hợp sẽ dễ dàng bóp nghẹt doanh nghiệp. Hàng triệu tỷ đồng vốn tín dụng đã chảy vào thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án vẫn đói vốn và chưa thể tiếp cận được dòng vốn này. Song, những dự án thuộc phân khúc cao cấp có giá bán cao lại rất dễ dàng tiếp cận vốn. Sau đó những sản phẩm này được tung ra thị trường và khiến cán cân lệch cung cầu lệch pha về phân khúc cao cấp.
"Tôi thật sự không khuyến khích điều này và tôi đề nghị Nhà nước và ngân hàng cần nhanh chóng đưa ra giải pháp tích cực. Tôi biết có doanh nghiệp với hàng nghìn căn hộ đang hoàn thiện và chờ bàn giao nhưng hiện tại họ lại thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng khiến những sản phẩm này bị tồn. Điều này cho thấy chính sách giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang có rất nhiều nút thắt chưa gỡ được", vị này nói.
Phó Chủ tịch VNREA cũng cho rằng, tín dụng hiện chiếm hơn một nửa trong tổng nguồn vốn cho bất động sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các ngân hàng phải lấy vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là điều rất nguy hiểm. Do đó, thị trường cần thêm nhiều kênh dẫn vốn nữa như trái phiếu, tín phiếu… hay cần thêm nhiều quỹ đầu tư, quỹ phát triển,…
Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong bối cảnh nào, kể cả ngành bất động sản khó khăn nhất, thời kỳ các doanh nghiệp bất động sản gần như không còn cơ hội để phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực này vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, theo vị này, các doanh nghiệp bất động sản phải có sự chia sẻ bởi nếu đến hạn không trả được sẽ dẫn đến nợ xấu. Nguồn vốn của ngân hàng luôn đồng hành với những doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có tiềm lực, đầu tư dự án minh bạch, rõ ràng. Những dự án, doanh nghiệp này sẽ được tiếp cận vốn vay thuận lợi.
"Năm 2025 và cả năm tiếp theo, ngành ngân hàng sẽ vẫn luôn đồng hành với doanh nghiệp, nguồn vốn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chỉ đầu tư vốn ngắn hạn, còn vốn trung dài hạn phải thông qua thị trường vốn như trái phiếu, chứng khoán", ông Hùng nhận định.