Bất động sản sẽ ra sao sau sáp nhập tỉnh?

Theo chuyên gia, việc sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, nhưng cũng sẽ có xáo trộn trong ngắn hạn.

Định vị lại địa bàn đầu tư

“Lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và sẽ quyết định chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. Đây được coi là dấu mốc lịch sử của công tác lập pháp Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV khi thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). 

Trước đó, tại Hội nghị diễn ra vào tháng 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Từ ngày 1/7/2025, sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.  

  (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).     

Việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.  

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Chung, chuyên gia Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, sau khi kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ không còn xảy ra những cơn sốt giá “ăn” theo thông tin lên quận hay lên thành phố, thay vào đó chủ yếu là sốt theo dự án, khu vực. 

“Khi tiến hành sáp nhập tỉnh, thành và xây dựng tổ chức chính quyền 2 cấp, các địa phương sẽ tập trung phát triển vào trung tâm hành chính mới. Cùng với đó, sẽ có những sự điều chỉnh về quy hoạch vùng, quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội,... 

Tôi nghĩ nếu sau sáp nhập hình thành nên trung tâm hành chính mới, quy hoạch nên những khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, đầu tư thêm những dự án hạ tầng giao thông,... thì mới tạo ra các cơn sốt bất động sản theo dự án, theo khu vực. 

Đây sẽ là những diễn biến tác động đến xu hướng đầu tư trên thị trường, thay vì các thông tin lên quận, lên thành phố như trước đây,” vị chuyên gia của VARS chia sẻ.

Có thể xáo trộn trong ngắn hạn

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Chung, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính có thể khiến khâu triển khai thủ tục dự án của doanh nghiệp địa ốc bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do chuyển đổi về mặt chính quyền. 

Song, xét về dài hạn thì quá trình làm dự án của các chủ đầu tư về sau sẽ dần trở nên thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn. Thay vì phải duyệt các bước làm dự án qua xã, qua huyện rồi qua tỉnh thì với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dự án hoặc sẽ được chuyển lên cấp tỉnh, hoặc sẽ được quyết luôn dưới cấp xã.   

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao, Trưởng chi nhánh Hà Nội của CBRE Việt Nam cho rằng, các tỉnh, thành cần thời gian để ổn định bộ máy sau sáp nhập. Do đó, những dự án hiện giờ mới bắt đầu rục rịch làm các thủ tục đầu tư, xin cấp giấy phép,... sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều về tiến độ. 

(Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).    

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT G6 Group chia sẻ, việc sáp nhập tỉnh, thành và dự kiến bỏ cấp huyện để chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ dẫn đến việc cần sửa đổi Hiến pháp 2013 cùng nhiều luật, nghị định, thông tư, văn bản,... liên quan. Trong bối cảnh đó, thủ tục đầu tư dự án có thể bị kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm là chuyện bình thường. 

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,... có nhiều quy định thuộc thẩm quyền của địa phương.

Vì vậy, khi chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thì sẽ phải điều chỉnh lại tất cả các thủ tục liên quan đến thẩm quyền của cấp huyện trước đây, để chuyển lên cho cấp tỉnh hoặc chuyển xuống cho cấp xã.

Thời gian tới, cần điều chỉnh lại nhiều vấn đề liên quan để cho việc thực hiện thủ tục của người dân, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Trong quá trình chuyển đổi, bắt buộc phải sửa các quy định pháp luật liên quan để ban hành lại các trình tự thủ tục về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài chính, giá đất bồi thường hỗ trợ tái định cư,…