Từ giữa tháng 4, sóng sáp nhập trên thị trường địa ốc đã dần ổn định. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa tổ chức buổi họp báo công bố báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm 2025.
Theo đó, làn sóng đầu tư nhà đất theo tin sáp nhập tỉnh, thành được đơn vị này nhìn nhận là một trong 10 điểm nhấn nổi bật khắc hoạ bức tranh toàn cảnh ngành địa ốc nửa năm qua.
Bà Phạm Miền, Phó Viện trưởng VARS IRE. (Ảnh: Di Anh).
Bà Phạm Miền, Phó Viện trưởng VARS IRE chia sẻ: “Đợt sóng mạnh nhất trên thị trường bất động sản bắt đầu từ khoảng nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Ở thời điểm đỉnh sóng, chúng tôi ghi nhận có những bất động sản đạt mức tăng giá lên tới 40%.
Sóng đánh chủ yếu vào phân khúc đất nền, tập trung mạnh vào một số địa phương như Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, vùng ven Hà Nội,... Có chủ đầu tư tận dụng sóng sáp nhập này để ra hàng, thậm chí điều chỉnh giá bán tăng 10% trong 1 đêm mà sản phẩm vẫn ghi nhận kết quả hấp thụ tương đối tốt".
Tuy nhiên, từ giữa tháng 4, sóng trên thị trường địa ốc đã dần ổn định. Theo chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, cơn sốt đầu tư theo trào lưu sáp nhập đã hạ nhiệt và được kiểm soát, nhà đầu tư không còn tất tay. Thay vào đó, họ dừng lại nghe ngóng thông tin rồi mới đưa ra quyết định có xuống tiền hay không.
Với các địa phương từng xuất hiện sóng bất động sản, thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu chững lại trên mặt bằng giá mới. Đặc biệt là tại các địa phương không thuộc quy hoạch trung tâm hành chính.
Thông tin tại sự kiện, ông Nguyễn Đình Cương, Trưởng Ban Nghiên cứu Thị trường & Tư vấn Xúc tiến Đầu tư (VARS) cho biết, ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có thị trường Bắc Giang (cũ) phát triển nóng, nhất là trong khoảng thời gian đầu tháng 4.
Trong 2 tuần cao điểm, giá bất động sản tăng 20 - 30%. Chủ đầu tư tận dụng sóng ra hàng, tăng giá 10 - 20% trong 1 đêm vẫn bán tốt. Tuy nhiên, ngay tuần sau đó, thanh khoản đã chững lại trên mặt bằng giá mới.
Tại Bắc Ninh, thị trường không có nguồn cung mới, nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang Bắc Giang (cũ). Tại Lạng Sơn, nhu cầu nhà ở xã hội ghi nhận tăng đột biến.
Với khu vực Duyên hải Bắc Bộ, thị trường giao dịch sôi động trong khoảng tháng 3 - 4 rồi đi ngang. Nhà thổ cư trong dân thanh khoản tốt, giá không có nhiều biến động
Điểm sáng nổi bật của thị trường này là cuối quý II, dòng tiền đổ mạnh về dự án mới tại phía Nam TP Hải Phòng là Vinhomes Golden City. VARS dự báo Hải Phòng hứa hẹn trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước trong giai đoạn tới trong bối cảnh sáp nhập, mở ộng không gian phát triển.
Tại khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận, thị trường Thủ đô tiếp tục sôi động trong những tháng qua khi các dự án mở bán giá ngày càng tăng nhưng vẫn được hấp thụ tốt. Giá thứ cấp tăng trưởng trở lại do ăn theo mặt bằng giá sơ cấp, song thanh khoản không có nhiều cải thiện.
Bất động sản Hà Nam tiếp tục ghi nhận giao dịch tốt, với cả sản phẩm trong dự án lẫn đất nền thổ cư. Ở Hải Dương, giá bất động sản ghi nhận giảm do nhà đầu tư đón sóng sáp nhập cắt lỗ.
Vào đến khu vực Trung Trung Bộ, các dự án mở bán tiếp tục được hấp thụ tốt, nguồn cung chủ yếu là căn hộ cao cấp. Giá bán ghi nhận tăng, còn cách mức đỉnh từng đạt vào năm 2019 khoảng 15 - 20%. Một số dòng sản phẩm như villa lưu trú, khách sạn, căn hộ có giá thuê tăng 30 - 40%.
Nhà ở xã hội Đà Nẵng thiếu quỹ đất, chủ đầu tư chưa đủ năng lực. Tại Quảng Nam, quỹ đất ven biển còn rộng nhưng chưa thu hút đầu tư do hạ tầng chưa phát triển. Ngoài ra, thị trường không bị ảnh hưởng bởi thông tin thành lập khu thương mại tự do.
Tại Tây Nguyên, thị trường Đắk Lắk ghi nhận phục hồi chậm, giá bất động sản tại khu vực trung tâm tăng 15 - 30% nhờ nhu cầu ở thực tăng cao và tâm lý đón đầu của nhà đầu tư trước thông tin sáp nhập. Thị trường Lâm Đồng gia tăng nguồn cung (nhất là với đất nền), tốc độ hấp thụ chậm lại.
Ở Khánh Hoà, giao dịch nhà phố trung tâm và các khu đô thị cải thiện. Hơn 50% giao dịch là nhu cầu đầu cơ, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao. Giá thuê mặt bằng, căn hộ tăng 10 - 20% nhờ du lịch phục hồi. Một số doanh nghiệp sử dụng vốn vay sản xuất, kinh doanh để đầu tư địa ốc.
Thị trường TP HCM và các vùng phụ cận ghi nhận nguồn cung tăng mạnh với loạt dự án khởi công, triển khai sau khi được gỡ vướng mắc pháp lý. Sản phẩm chủ yếu đến từ các dự án tại Long An (cũ) và Bình Dương (cũ).
Các dự án mở bán đều có mức giá tương đối hợp lý. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức tốt nhờ nhu cầu thị trường bị nén trong suốt thời gian qua và đón nhận dòng tiền đầu tư từ miền Bắc.
Với khu vực Tây Nam Bộ, nguồn cung bất động sản cũng tăng mạnh, chủ yếu tập trung tại Long An (cũ) và Cần Thơ. Giao dịch cải thiện, tăng 40 - 50% so với quý I. Các sản phẩm nhà ở xã hội, đất nền tại trung tâm thành phố được hấp thụ tốt. Những tỉnh, thành là trung tâm hành chính sau sáp nhập như Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá (An Giang) ghi nhận mức giá tăng từ 10 - 15% trong quý II.
Một góc An Giang. (Ảnh: Di Anh).
Nhìn chung, theo VARS, thị trường bất động sản các địa phương đã và đang dần trở về quỹ đạo ổn định sau sóng. Ngoài việc hình thành làn sóng đầu tư, bà Miền cho biết việc sáp nhập các tỉnh thành còn đem lại 3 tác động tích cực cho thị trường bất động sản.
Thứ nhất, tinh gọn bộ máy quản lý, rút ngắn một số thủ tục hành chính giúp giảm thời gian và chi phí thực hiện dự án, tạo dư địa giảm giá bán. Đây là căn cứ giúp chủ đầu tư xác định giá bán ở mức phù hợp và ưu đãi hơn.
Thứ hai, việc sáp nhập giúp quy mô thị trường được mở rộng, tạo không gian cho các chủ đầu tư phát triển dự án quy mô và đồng bộ.
Thứ ba, các địa phương được sáp nhập vừa có cơ hội phát huy thế mạnh sẵn có, vừa được khai thác thêm các tiềm năng mới nhờ thừa hưởng kinh nghiệm phát triển, quy hoạch và quản lý từ các trung tâm kinh tế lớn.
Trong khi đó, những đô thị trung tâm cũng được mở rộng không gian phát triển, hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện cho nhu cầu nhà ở lan toả từ nội đô. Điều này giúp hình thành trạng thái đôi bên cùng hưởng lợi.
Khi đi vào quỹ đạo ổn định, mở rộng không gian đô thị sau sáp nhập sẽ trở thành xu hướng. Qua đó, giúp cơ hội sở hữu nhà của người dân được mở rộng hơn, doanh nghiệp có cơ hội phá triển thị trường mới, còn địa phương thì có cơ hội thu hút đầu tư.
Thị trường 08:23 | 10/07/2025
Quy hoạch 15:53 | 09/07/2025
Thị trường 10:59 | 09/07/2025
Thị trường 07:00 | 04/07/2025
Quy hoạch 16:22 | 03/07/2025
Quy hoạch 15:21 | 03/07/2025
Quy hoạch 15:17 | 03/07/2025
Quy hoạch 15:12 | 03/07/2025