Diễn biến thị trường nhà đất trong quý I/2025 tại nhiều khu vực trên cả nước vừa được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cập nhật.
Với Hà Nội và các vùng phụ cận, VARS cho biết sóng đất nền xảy ra ở nhiều nơi với các mức độ khác nhau trong quý I. Nhất là tại các huyện vùng ven Thủ đô, xung quanh các dự án mới triển khai và khu vực đấu giá đất với mức giá rao bán tăng từ 30 - 80%.
Tuy nhiên trên thực tế, giao dịch chỉ phát sinh tại các lô đất giá trị dưới 2 tỷ đồng, có thể khai thác tạo dòng tiền.
Ở khu vực của tỉnh Hải Dương, khi mặt bằng giá thành phố đã tăng trưởng nóng, dòng tiền có xu hướng chạy về vùng trũng như tuyến xã. Ở Hà Nam, lượng giao dịch tăng gấp đôi so với cùng kỳ, với mức giá giao dịch cao hơn từ 20 - 30% so với quý II/2024, nhất là khu vực quanh dự án của Sungroup, trung tâm thị xã Duy Tiên và xung quanh bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức.
Tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thị trường sôi động trở lại vào đầu tháng 3, đặc biệt tại Bắc Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn với giá và lượng giao dịch tăng đến 30%, nhiều nơi thiết lập mặt bằng giá mới. Lý do bởi xuất hiện thông tin sáp nhập và việc triển khai dự án mới.
Ngoài nhu cầu đầu tư thật, một số khu vực đấu giá gần nơi chuẩn bị làm dự án ghi nhận giá trúng ở mức cao. Dưới góc nhìn của VARS, điều này gợi mở dấu hiệu điều phối bởi yếu tố "vô hình".
Với khu vực Duyên hải Bắc Bộ, bất động sản Quảng Ninh tiếp tục phục hồi nhẹ nhờ nguồn cung từ một số dự án mới.
Ở Hải Phòng, các dự án thấp tầng và NOXH mở bán mới được hấp thụ trên 60%. Trong khi đó, các dự án chung cư thương mại lại ghi nhận lượng giao dịch nhỏ giọt do phải cạnh tranh với nguồn cung NOXH chất lượng tương đương với mức giá chỉ bằng 1/2. Lượng giao dịch và giá bán thứ cấp có xu hướng cải thiện, trung bình lên khoảng 5 - 10%, cá biệt có khu lên 30% như Thuỷ Nguyên.
Tại Trung Trung Bộ, nguồn cung và lượng giao dịch trong quý I tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhất là với phân khúc căn hộ nhờ mức giá canh tranh so với nhiều địa phương khác và nhu cầu trên thị trường phục hồi. Thanh khoản bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ghi nhận cải thiện, song chưa có sự bứt phá khi thị trường đang có nhiều nguồn cung hấp dẫn hơn.
Một khu đất nông nghiệp tại TP Bảo Lộc. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).
Vào đến Tây Nguyên, thị trường Đắk Lắk xuất hiện giao dịch trở lại sau thời gian dài tương đối trầm lắng nhờ tin đồn sáp nhập tỉnh. Đất nền vùng ven có giá dưới 1 tỷ đồng ghi nhận giao dịch và giá bán tăng khoảng 10%.
Còn ở Lâm Đồng, tình trạng rao bán cắt lỗ, nhất là đất nông nghiệp, đất vườn có xu hướng tăng lên. Nhiều nhà đầu tư mạnh tay giảm giá tới 50% để thoát hàng, cơ cấu danh mục đầu tư.
Giao dịch đất thổ cư ở Khánh Hoà ghi nhận cải thiện ở cả khu vực trung tâm thành phố lẫn vùng ven. Tuy nhiên, giá giao dịch không tăng nếu so sánh với cùng kỳ năm 2024, lý do bởi phần lớn các khu đô thị đến giai đoạn phải xây dựng nên nhiều chủ đất cần bán ra và được người có nhu cầu ở thực hấp thụ.
Tại TP Nha Trang, giao dịch nhà phố trung tâm và các khu đô thị mới tương đối tốt, giá không có nhiều biến động. Nhu cầu và giá thuê mặt bằng căn hộ tăng từ 10 - 20% nhờ du lịch phục hồi.
Với TP HCM và các vùng phụ cận, nguồn cung toàn khu vực chủ yếu đến từ Bình Dương và Đồng Nai. Các dự án căn hộ có tỷ lệ hấp thụ tốt. Thanh khoản các phân khúc đất nền và thấp tầng ghi nhận cải thiện. Riêng tại TP HCM, nguồn cung chủ yếu đến từ giai đoạn chào bán tiếp theo của các dự án cũ.
Tại Tây Nam Bộ, nguồn cung chủ yếu là sản phẩm tồn kho tiếp tục chào bán với giao dịch hạn chế do chủ đầu tư không chạy các chương trình truyền thông, bán hàng. Căn hộ tiếp tục là phân khúc dẫn dắt thị trường.
Giá đất nền, nhà ở riêng lẻ tại các tỉnh thành có trung tâm hành chính sau sáp nhập tăng nhẹ, đơn cử như quận Cái răng (TP Cần Thơ) tăng 3 - 5% so với hồi quý IV/2024.
Bà Phạm Miền, chuyên gia VARS. (Ảnh: Thạch Phong).
Về diễn biến ngành địa ốc trong thời gian tới, bà Phạm Miền, chuyên gia VARS dự báo, thị trường sẽ có sự khởi sắc rõ nét trong quý II.
Nguồn cung được phục hồi nhờ các chính sách tháo gỡ pháp lý trên nền tảng kinh tế tăng trưởng, hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp,...
Tuy nhiên, rủi ro liên quan đến sức khoẻ tài chính của các chủ đầu tư vẫn còn hiện diện.
Thị trường vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt nhờ nhu cầu nhà ở neo cao, tâm lý của khách hàng, nhà đầu tư ngày càng tích cực.
Bà Miền nhận định: "Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phát triển với mặt bằng giá duy trì ở mức cao và khó giảm sâu, đặc biệt là tại khu vực trung tâm các thành phố lớn nhờ loạt yếu tố tạo động lực tăng giá, trong khi phần lớn nhà đầu tư vẫn chưa chịu áp lực lớn về dòng tiền.
Tuy nhiên, đà tăng giá của thị trường sẽ chậm lại khi xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu ở thực và phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Dòng tiền có xu hướng đổ về khu vực huyện, xã khi mặt bằng giá tại khu vực thành phố đã quá cao, không còn nhiều dư địa tăng trưởng".