Quĩ đất nắm giữ bởi Vingroup, FLC, Sun Group,... rộng cỡ nào tại TP Hạ Long?

Vingroup, FLC, Sun Group, BIM Group,... là những doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu quĩ đất lên tới hàng trăm ha tại TP Hạ Long. Đến năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 14,39 triệu m2 sàn với nhu cầu diện tích đất tăng thêm là 1.100 ha.
Vingroup, FLC, Sun Group,... sở hữu quĩ đất rộng cỡ nào tại Hạ Long? - Ảnh 1.

Một góc thành phố Hạ Long. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 vừa được công bố, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh này cần hơn 139.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở và giai đoạn 2026 - 2030 cần gần 160.000 tỉ đồng.

Trong đó, dự kiến nguồn vốn phát triển nhà ở thương mại bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng,... Vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu cũng từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội,... và một phần từ ngân sách Nhà nước.

Đến năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 14,39 triệu m2 sàn với nhu cầu diện tích đất tăng thêm là 1.100 ha. Giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu diện tích nhà ở tăng thêm đạt khoảng 16,23 triệu m2 sàn với nhu cầu diện tích đất tăng thêm là 1.200 ha.

Định hướng phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh được chia theo 5 khu vực, gồm: Khu vực vùng đô thị trung tâm Hạ Long (Hạ Long, Cẩm Phả); Khu vực tiểu vùng các KKT cửa khẩu với Trung Quốc (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu); Khu vực tiểu vùng KKT Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô; Khu vực tiểu vùng phía Tây (Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều); Khu vực tiểu vùng rừng núi phía Bắc (Ba Chẽ, Tiên Yên).

Riêng TP Hạ Long hiện có 288 dự án nhà ở, khu đô thị trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay. Trong đó, phải kể đến sự góp mặt của một số doanh nghiệp bất động sản lớn.

Đơn cử, Tập đoàn Vingroup có dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh với vốn đầu tư khoảng 10 tỉ USD, qui mô 4.109 ha (bao gồm 3.186 ha tại thị xã Quảng Yên và hơn 923 ha tại TP Hạ Long).

Ngoài ra, Tập đoàn này còn chủ đầu tư dự án Khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan (Khu vực từ Bến Phà Bãi Cháy cũ đến cầu Bài Thơ) rộng hơn 68 ha. 

Tuy nhiên, năm 2017, Vingroup đã chuyển nhượng lại khoảng 3,6 ha cho Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI để thực hiện dự án Khu dịch vụ hỗn hợp. Phần diện tích này gồm 4 lô (từ HH01 đến HH04) có chức năng làm khách sạn – TTTM (cao 30 - 40 tầng) và 2 lô HH05-HH06 chức năng thương mại dịch vụ kèm chung cư (cao 30 tầng).

Với FLC, Tập đoàn này đang triển khai xây dựng Khu đô thị tại phường Hà Khánh. Dự án bao gồm hai giai đoạn với qui mô hơn 80 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư Quần thể Trung tâm hội nghị, khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng (FLC Hạ Long) với qui mô hơn 62 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Về tiến độ, doanh nghiệp đã xây dựng xong tòa nhà cao tầng và đang hoàn thiện khu biệt thự thấp tầng.

CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) là chủ đầu tư dự án công viên Đại dương Hạ Long (Hạ Long Ocean Park) thuộc các phường Bãi Cháy, Hồng Gai, Yết Kiêu, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo. Dự án này có qui mô hơn 359 ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng.

Tập đoàn BIM (BIM Group) là chủ đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng (Hạ Long Marina) với qui mô 248 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD. 

CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco) đang triển khai dự án Khu đô thị tại phường Cao Thắng, Hà Lầm và Hà Khánh với qui mô hơn 43 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TP Hạ Long còn có dự án Khu đô thị mới phía Đông hòn Cặp Bè (Mon Bay) rộng gần 18 ha của HD Mon Holdings; Khu Biệt thự đồi Thủy Sản (phường Bãi Cháy) rộng hơn 32 ha của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy; Khu đô thị mới Cái Dăm (phường Bãi Cháy) rộng gần 38 ha của Tập đoàn Geleximco; Khu đô thị Nam ga Hạ Long (phường Giếng Đáy) rộng hơn 22 ha của Công ty Đầu tư và Xây dựng Licogi số 2,...

chọn