Sau khi ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) thoái hết toàn bộ chức vụ tại Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (MCK: QCG), ra kinh doanh riêng, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 tổ chức hôm 22/6, Quốc Cường Gia Lai đã thông qua việc bổ nhiệm một thành viên mới vào danh sách HĐQT.
Người được bổ nhiệm vào HĐQT là ông Trần Văn Hiếu. Ông Hiếu từng làm việc tại các công ty thuộc Bộ Xây Dựng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và không sở hữu cổ phần tại Quốc Cường Gia Lai.
Cường Đôla đã thoái toàn bộ chức vụ tại Quốc Cường Gia Lai vào cuối năm ngoái. (Ảnh: Zing).
Việc thay đổi nhân sự này của Quốc Cường Gia Lai được thực hiện trong bối cảnh HĐQT khuyết một thành viên, khi ông Nguyễn Quốc Cường thoái toàn bộ chức vụ tại doanh nghiệp của mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan, vào cuối năm ngoái.
Tình hình kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai cũng đang không mấy thuận lợi. Kết thúc năm tài chính 2018, doanh nghiệp chỉ đạt tổng doanh thu 732 tỉ đồng và chưa đến 107 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. So với mục tiêu đặt ra, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan chỉ thực hiện được 41% kế hoạch về doanh thu và 33% kế hoạch lợi nhuận.
Tình hình kinh doanh kém khả quan tiếp tục đeo bám Quốc Cường Gia Lai trong năm nay. Kết thúc quý I/2019, tổng doanh thu thuần chỉ đạt 377,8 tỉ đồng. Doanh thu tăng nhẹ so với cùng kì nhưng lợi nhuận lại sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 6,1 tỉ, trong khi năm ngoái gần 46 tỉ, tức giảm 83%.
Quốc Cường Gia Lai lí giải nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh là do giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh, cao hơn cùng kì 67 tỉ đồng. Chi phí lãi vay cũng cao gấp 3 lần so với quý đầu năm 2018, đến gần 10,5 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty bàn giao căn hộ cho khách hàng không có thu nhập từ chuyển nhượng tài chính.
Năm nay, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thấp hơn nhiều so với năm 2018, với 1.250 tỉ đồng doanh thu và 200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.
Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp chỉ mới thực hiện được 30% kế hoạch doanh thu và chỉ 3% lợi nhuận.
Tại Đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan lại liên tục kể khổ về việc doanh nghiệp đang gặp khó khăn tại hàng loạt dự án bất động sản, nguyên nhân chủ yếu đều do sự chồng chéo về cơ chế, chính sách.
"Phước Kiển là trăn trở với lãnh đạo công ty, vì dự án đã hơn 10 năm chưa giải phóng mặt bằng dứt điểm", bà Như Loan nói với các cổ đông.
Bà Nguyễn Thị Như Loan nhiều lần than khổ về các dự án. (Ảnh: QCG).
Bà Loan nói với cổ đông dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM), hiện vẫn còn khoảng 3% đất chưa đền bù xong. Nguyên nhân là còn một số hộ dân lấn chiếm đất, cất nhà ở trong khi không có sổ đỏ.
Người sáng lập Quốc Cường Gia Lai lo ngại nếu xử lí xong việc giải phóng mặt bằng, rất có thể hết hạn chấp thuận đầu tư. Điều này đồng nghĩa việc phải thực hiện lại thủ tục từ đầu, trong khi suốt chục năm qua vẫn chưa thể hoàn tất.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Như Loan than thở về dự án Phước Kiển, cũng như các dự án ách tắc của doanh nghiệp. Tại cuộc gặp gỡ lãnh đạo TP HCM hồi tháng 4, bà Loan thẳng thắn cho biết đã cầm cố nhà cửa, xe cộ… trả nợ và lãi ngân hàng.
"Nếu không vì cổ đông, nợ ngân hàng, cuộc sống hơn 3.000 nhân viên Quốc Cường Gia Lai, tôi đã tự tử. Tôi còn nghĩ mình để lại tâm thư mong nhà nước làm cách nào tháo gỡ thủ tục", bà Nguyễn Thị Như Loan nói với lãnh đạo TP HCM.
Ngoài ra, bà Loan cũng sốt ruột với dự án Đa Phước (Bình Chánh), khi đã hoàn tất đền bù 100% nhưng hiện cũng không thể triển khai vì vướng thủ tục. Theo bà, dự án này đang vướng đất xen cài, tức đất do nhà nước quản lí không cấp sổ đỏ cho dân, đất đường đi…
Về đất xen cài, lãnh đạo TP HCM đã có ý kiến đất công dù chỉ 1 m2 cũng phải đấu giá. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng hiện Quốc Cường Gia Lai chưa thể triển khai cũng vì quy định mới này.
Kinh doanh không khả quan, Quốc Cường Gia Lai gần đây còn liên tục thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp.
Tháng 3/2019, Quốc Cường Gia Lai giải thể Công ty CP Bất động sản Hiệp Phát. Đây là công ty mà doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan nắm 90% vốn sở hữu.
Dự án bất động sản và bến du thuyền - Marina Complex Đà Nẵng cũng vướng lùm xùm khi doanh nghiệp đang triển khai đầu tư hạ tầng. (Ảnh: Văn Luận).
Đầu năm 2019, HĐQT Quốc Cường Gia Lai cũng đã ra nhiều nghị quyết giảm vốn sở hữu tại một số công ty thành viên, như giảm 195,3 tỉ đồng vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng, hoàn tất việc chuyển nhượng 49,9% vốn cổ phần tại công ty CP Bất động sản Sông Mã, hiện chỉ còn giữ lại 49,9% vốn cổ phần, chuyển thành khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Quốc Cường Gia Lai cũng đang mắc kẹt với Dự án bất động sản và bến du thuyền - Marina Complex tại Đà Nẵng. Đây là dự án do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư, đang bị UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tạm dừng thi công vì lấn sông Hàn.