Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: Báo Đấu thầu).
Thông tin từ Báo Chính phủ, ngày 19/2, với 455/459 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 95,2% số đại biểu tham dự, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn, có ý kiến đề nghị làm rõ suất đầu tư Dự án và so sánh với tuyến đường sắt Viêng Chăn - Boten.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo báo cáo Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư được tính toán theo quy định của pháp luật về xây dựng. Suất đầu tư công bố hiện nay của các nước được tính cho phần xây dựng và thiết bị, không tính chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí có tính chất đặc thù khác (chi phí cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, chi phí cải tạo khổ 1.000 mm khu vực ga Lào cai, chi phí đường 1.000 mm đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội).
So sánh với suất đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn - Boten dài 418 km có chi phí đầu tư 5,96 tỷ USD, suất đầu tư quy đổi 16,77 triệu USD/km.
Theo đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với suất đầu tư khoảng 15,96 triệu USD/km, tương đồng với suất đầu tư một số dự án tham khảo trong khu vực.
Bên cạnh đó. việc so sánh suất đầu tư giữa các dự án chỉ mang tính tham khảo do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm triển khai, công nghệ, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng, khả năng nội địa hóa.
Về tiến độ thực hiện dự án, một số ý kiến đề nghị làm rõ thời điểm hoàn thành Dự án; xác định rõ thời gian thực hiện đầu tư hoàn thiện tuyến đường sắt theo quy mô đường đôi.
UBTVQ xin tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại dự thảo Nghị quyết đã quy định phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030. Đối với việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường sắt theo quy mô đường đôi sẽ được nghiên cứu, đầu tư khi có nhu cầu vận tải tăng cao.
UBTVQH cũng cho rằng, hướng tuyến của dự án được Chính phủ nghiên cứu theo nguyên tắc ngắn nhất, thẳng nhất có thể và đã được sự thống nhất của các địa phương có Dự án đi qua. Một số đoạn tuyến đi cùng hành lang với các tuyến đường bộ cao tốc (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng).
Cùng với đó, dự án được nghiên cứu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đủ mặt bằng để bố trí ga, đồng thời hạn chế tối đa diện tích đất xen kẹp giữa đường sắt và đường bộ. Phương án tuyến thiết kế sơ bộ mặt bằng các ga đã bố trí các tuyến đường bộ kết nối với mạng lưới đường bộ của địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, cập nhật các phương án kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông liên quan để bảo đảm hiệu quả cho dự án.