Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Vành đai 4 TP HCM hơn 120.000 tỷ đồng

Đường Vành đai 4 TP HCM với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng hơn 120.000 tỷ đồng. Tuyến đường này đi qua TP HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Hướng tuyến Vành đai 4 TP HCM. (Ảnh: Dân Việt).

Thông tin từ Báo Chính phủ, ngày 12/6, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường và thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 TP HCM với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng hơn 120.412 tỷ đồng.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự án có điểm đầu tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha (khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường tỉnh ĐT 992).

Điểm cuối giao với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 207 km.

Về phạm vi đầu tư, tổng chiều dài đầu tư khoảng 159 km, bao gồm đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài khoảng 18,2 km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 46 km, đoạn qua TP HCM dài khoảng 20,5km và đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 74,5 km.

Riêng đoạn qua tỉnh Bình Dương (chiều dài khoảng 47,9 km) đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua chủ trương đầu tư, đang triển khai đầu tư độc lập.

Dự án đi qua TP HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Quy mô đầu tư đường cao tốc, giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ) với quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 100 km/h, bề rộng nền đường 25,5 m.

Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư với quy mô 8 làn xe cao tốc. Tổng bề rộng nền đường (bao gồm đường cao tốc và đường song hành) là 74,5m.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.420 ha, hình thức được Chính phủ đề xuất theo hình thức đầu tư công đối với các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường gom, đường song hành.

Đầu tư phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đối với các dự án thành phần đầu tư xây dựng phần đường cao tốc.

Dự án được chia làm 2 nhóm, gồm 10 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 120.412 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 41.090 tỷ đồng.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án, bao gồm vốn ngân sách nhà nước hơn 69.780 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương khoảng hơn 29.687 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng hơn 40.092 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư huy động hơn 50.632 tỉ đồng.

Chính phủ cũng đề xuất thi công xây dựng từ năm 2026 - 2029 (phấn đấu hoàn thành cuối năm 2028).

Chính phủ cũng đã đề xuất 7 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án như giao chủ tịch UBND TP HCM và chủ tịch UBND các tỉnh (Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần;

Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Cho phép chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch phục vụ dự án (bao gồm khu tái định cư), các gói thầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thi công xây dựng hạ tầng khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng.

Chính phủ kiến nghị dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức PPP...

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đồng ý với sự cần thiết đầu tư dự án nhằm nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông...

Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công, Luật PPP hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án.

Về cơ chế, chính sách triển khai đầu tư Dự án, ông Mãi cho biết, Quy chế ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII quy định các dự án quan trọng quốc gia cần phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến theo quy định.

Qua các ý kiến thảo luận, ý kiến của Cơ quan thẩm tra, kết luận nội dung này Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng sự phù hợp của các quy hoạch có liên quan đối với phạm vi hướng tuyến, quy mô đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ của dự án, nhất là việc bố trí nút giao, đường giao, đường song hành.

Đồng thời, nghiên cứu làm rõ hơn việc lựa chọn hình thức đầu tư và phân chia các dự án thành phần phù hợp với chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố.

chọn
Ocean Group sắp tái khởi động dự án bất động sản hạng sang bên hồ Trúc Bạch
Lãnh đạo Ocean Group cho biết sẽ sớm triển khai lại dự án số 10 Trấn Vũ - một trong số ít vị trí đắc địa còn lại tại Hà Nội. Doanh nghiệp dự kiến phát triển dự án bất động sản hạng sang và hoàn thành trong 2 năm