Với 445 đại biểu tán thành trong tổng số 451 đại biểu tham gia, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo Nghị quyết, Đà Nẵng sẽ thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị gồm có Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố; còn cấp quận và phường chỉ có Uỷ ban nhân dân, không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là UBND quận. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là UBND phường.
Theo đó, việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo qui định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
HĐND thành phố Đà Nẵng có quyền quyết định phí, lệ phí chưa được qui định trong danh mục phí, lệ phí hiện hành; điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục này, trừ án phí, lệ phí tòa án.
Ngân sách thành phố Đà Nẵng được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố. Số tăng thêm không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Đà Nẵng.
Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, HĐND thành phố Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.